Nhóm 347 nhà khoa học từng tham gia hợp tác nghiên cứu tìm ra hình ảnh đầu tiên trong lịch sử lỗ đen vừa được trao tặng giải thưởng Breakthrough Prize in Fundamental Physics (Giải thưởng đột phá về vật lý cơ bản) danh giá.
Theo hãng tin AFP, ngày 5/9, Giải thưởng đột phá về vật lý cơ bản, một trong những hạng mục thuộc Giải thưởng đột phá (Breakthrough Prize), còn được biết tới với tên gọi là "Oscar khoa học" trị giá 3 triệu USD đã thuộc về nhóm 347 nhà khoa học tìm ra hình ảnh đầu tiên về lỗ đen.
Hình ảnh lỗ đen do Dự án Hợp tác kính thiên văn chân trời sự kiện tìm ra - (Ảnh: AFP).
Gần 350 nhà khoa học này đã cùng tham gia dự án Hợp tác kính thiên văn chân trời sự kiện (Event Horizon Telescope Collaboration), một chương trình hợp tác quan sát thiên văn, tập trung vào các lỗ đen siêu khối lượng nằm ở trung tâm các thiên hà.
Ngày 10/4 năm nay, dự án Hợp tác kính thiên văn chân trời sự kiện đã gây chú ý đặc biệt với dư luận khi công bố hình ảnh đầu tiên về một lỗ đen siêu khối lượng có vầng hào quang màu cam bao quanh.
Chủ trì Dự án Hợp tác kính thiên văn chân trời sự kiện là ông Shep Doeleman, nhà vật lý thiên văn của Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian.
Nhóm nghiên cứu này đã bỏ ra cả 10 năm để tạo nên mô hình một chiếc kính viễn vọng điện toán ảo có kích thước tương đương trái đất bằng cách kết hợp tín hiệu thu được từ 8 kính viễn vọng vô tuyến hoạt động theo từng cặp trên toàn thế giới.
Thông qua kỹ thuật này, họ có thể thu được hình ảnh với độ phân giải ở mức chưa từng có và lần đầu tiên trong lịch sử họ quan sát được bóng của lỗ đen, khẳng định những dự đoán theo lý thuyết với những vật thể trong vũ trụ này.
Năm nay là năm thứ 8 giải thưởng đột phá được trao tặng. Đây là giải thưởng do các doanh nhân ở Thung lũng Silicon lập ra nhằm tôn vinh các nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Các chủ nhân giải thưởng này ở những hạng mục khác như khoa học đời sống, toán học cũng sẽ nhận 3 triệu USD.
Lễ trao giải sẽ diễn ra ngày 3/11 tại trung tâm nghiên cứu Ames của NASA tại Mountain View, California, Mỹ.