Cô gái 29 tuổi này là người giúp tìm ra lỗ đen chấn động thế giới

  •  
  • 2.696

Katie Bouman tham gia phát triển thuật toán được sử dụng cho Kính thiên văn Event Horizon, hệ thống chụp được hình ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ.

Ngày 10/4 là thời điểm quan trọng đối với khoa học khi lần đầu tiên con người nhìn thấy ảnh chụp thực tế của một hố đen vũ trụ nhờ vào dự án Kính thiên văn Event Horizon.

Giữa lúc thế giới đang trầm trồ khám phá vẻ đẹp của hố đen và so sánh nó với những lý thuyết của Einstein, mạng xã hội lại lên cơn sốt về cô gái đã đứng sau dự án này.

Đó chính là Katie Bouman, người vừa được bổ nhiệm làm giáo sư Viện Công nghệ California (Caltech) khi mới 29 tuổi nhờ thành tích xuất sắc và đóng góp lớn vào dự án chụp ảnh hố đen vũ trụ.

Chân dung Katie Bouman, nữ khoa học gia đóng góp công lớn cho dự án chụp ảnh hố đen vũ trụ.
Chân dung Katie Bouman, nữ khoa học gia đóng góp công lớn cho dự án chụp ảnh hố đen vũ trụ. (Ảnh:Twitter).

Sau khi tốt nghiệp Đại học Michigan, Katie đã hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Trước đó, ngay từ khi còn học phổ thông, cô đã tham gia nghiên cứu phát triển phần mềm xử lý hình ảnh.

Cùng với nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, cô đã giúp tái lập hình ảnh của hố đen, đồng thời dẫn đầu trong việc thử nghiệm xác định độ chính xác của hình ảnh này.

Hơn 200 nhà khoa học đã tham gia và dự án chụp ảnh hố đen vũ trụ trong nhiều năm qua. Hình ảnh vừa được công bố không được chụp theo cách thông thường.

Hố đen ở khoảng cách cực kỳ xa với trái đất. Ngoài ra, trên thực tế hố đen hoàn toàn đen tối, không có bất kỳ ánh sáng nào lọt khỏi sức hấp dẫn của nó. Không camera thông thường nào có thể chụp được ảnh hố đen.

Dự án Kính thiên văn Event Horizon phải sử dụng mạng lưới nhiều kính viễn vọng đặt rải rác trên Trái Đất để ghi lại bức xạ phát ra từ bên ngoài "chân trời sự kiện" của hố đen. Thông tin ghi nhận được gồm 2 tỷ bức ảnh độ phân giải cao nhưng vẫn chỉ là những hình ảnh rời rạc, mờ nhạt về hố đen.

Loài người không thể chứng kiến hình ảnh được công bố vào ngày 10/4 vừa qua nếu không có thuật toán được phát triển từ cách đây 3 năm bởi nhóm các nhà khoa học do Katie Bouman đứng đầu.

Một phần lý do khiến cộng đồng mạng toàn cầu lên "cơn sốt Katie Bouman" nhờ hình ảnh BBC đăng tải gần đây. Trong đó Katie cười tươi bên cạnh chồng ổ cứng máy tính lưu trữ dữ liệu nghiên cứu hố đen vũ trụ.

Nhiều người đã đăng lại và so sánh với ảnh Margaret Hamilton bên cạnh chồng sách mã code giúp NASA đưa tàu Apollo lên Mặt trăng năm 1969.

Katie Bouman tự đăng tải một bức ảnh chụp phản ứng của mình khi nhìn thấy hình ảnh của hố đen vũ trụ.
Katie Bouman tự đăng tải một bức ảnh chụp phản ứng của mình khi nhìn thấy hình ảnh của hố đen vũ trụ. (Ảnh: Twitter).

Lý do khác là lịch sử hiếm khi có một nhà khoa học nữ được công nhận tương xứng với đóng góp của họ như trường hợp của Bouman. Đứng trước sự nổi tiếng bất ngờ này, nữ giáo sư 29 tuổi chia sẻ với CNN: "Không ai trong chúng tôi có thể làm điều đó một mình. Điều này có được do đóng góp của nhiều người ở các lĩnh vực khác nhau".

Trong khi đó, các thành viên của dự án đánh giá Katie Bouman đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển thuật toán tái tạo ảnh hố đen. "Katie Bouman là nhân vật chính trong nhóm hình ảnh", Vincent Fish, một nhà khoa học tại Đài thiên văn Haystack của MIT cho biết.

Vào năm 2016, Katie Bouman đã có một cuộc trao đổi trên TED với chủ đề “Cách chụp ảnh hố đen”. Cô giải thích rằng việc chụp bức ảnh đầu tiên của hố đen sẽ do một nhóm các nhà khoa học quốc tế thực hiện, kết hợp hệ thống kính viễn vọng khổng lồ và thuật toán tái tạo hình ảnh.

Ảnh đầu tiên về hố đen của vũ trụ sẽ đặt nền tảng cho các nghiên cứu trong tương lai. Góp phần giải quyết các vấn đề lớn trong khoa học thiên văn đã tồn tại hàng trăm năm nay.

Cập nhật: 12/04/2019 Theo Zing
  • 2.696