Bức vẽ trên đất sét được tình cờ tìm thấy trong quá trình nghiên cứu chữ hình nêm của người Assyria cổ đại.
Tấm đất sét chứa chữ hình nêm và hình vẽ ác quỷ. (Ảnh: Ancient Origins).
Con quỷ được khắc họa có sừng, đuôi và lưỡi rắn. Nó có thể là hình vẽ minh họa sớm nhất liên quan đến chứng động kinh trong lịch sử, theo Tiến sĩ Troels Pank Arbøll, người đứng đầu nghiên cứu từ Đại học Copenhagen, Đan Mạch.
Trên tấm đất sét 2.700 năm tuổi, nơi hình vẽ được phát hiện, còn chứa những chữ hình nêm mô tả các triệu chứng co giật và hôn mê. "Chúng cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách một bác sĩ thời Assyria được đào tạo để chẩn đoán và điều trị bệnh động kinh trong y học cổ đại", Arbøll cho biết.
Người Assyria và một số nền văn minh khác gọi bệnh động kinh là Bennua. Họ tin rằng căn bệnh đáng sợ này là do ma quỷ hoặc những thế lực siêu nhiên gây ra. Do đó, phương pháp điều trị được cho là có liên quan đến thuật trừ tà nhằm đẩy những linh hồn xấu xa như quỷ Pazuzu và quái vật Lamashtu ra khỏi cơ thể.
Nền văn minh Assyria tồn tại từ khoảng năm 2500 TCN đến năm 608 TCN, với trung tâm nằm tại thượng nguồn sông Tigris ở miền bắc Iraq. Chữ hình nêm của họ là một biến thể của Akkadian, ngôn ngữ cổ xưa của người Semitic, từng được sử dụng rộng rãi ở vùng Lưỡng Hà. Nó nổi tiếng là khó giải mã và chỉ một số ít chuyên gia có thể đọc chính xác.