Hồ sơ tham chiến của máy bay Su-22

Máy bay Su-22 không phải là chiến đấu cơ yếu, tuy nhiên một số quốc gia sở hữu lại không sử dụng tốt dẫn đến nhiều thất bại không đáng có.

Bật mí hồ sơ tham chiến của máy bay Su-22

Đôi cánh ma thuật

Su-22 là tên gọi phiên bản xuất khẩu của máy bay tiêm kích - bom Su-17 (định danh NATO là Fitter - Thợ lắp máy). Đây là một trong những sản phấm đáng nhớ của Cục Thiết kế Sukhoi (Liên Xô).

Nói tới máy bay Su-22, điểm đặc biệt nhất của nó là thiết kế cánh cụp cánh xòe. Nghĩa là, khi máy bay mang nặng, bay ở độ cao thấp, cánh sẽ xòe ra rộng 38,5m2 để tăng chiều dài đòn bẩy của lực cân bằng khí động. Ngược lại, khi bay với tốc độ cao, cánh sẽ cụp lại chỉ còn 34,5m2 thành dạng cánh tam giác giống như tiêm kích MiG-21, để máy bay ổn định hơn, tiện cho cơ động không chiến.

Thiết kế này là giải pháp phù hợp cho những năm 1960, khi việc cân bằng tự động máy bay bằng máy tính còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, kết cấu cánh cụp cánh xòe cơ khí khá nặng nề, khiến Su-22 sớm trở nên bất lợi so với các máy bay chiến đấu thế hệ mới tự động hóa cao. Đặc biệt là kiểu cánh này không phù hợp với nhiệm vụ không chiến.


Máy bay Su-22 cất cánh với vũ khí.

Máy bay cường kích Su-22 được trang bị động cơ tuốc bin phản lực Lyuka AL-21F3 cho phép đạt tốc độ tối đa 1.860km/h ở trên độ cao lớn, bán kính chiến đấu hơn 500km, trần bay hơn 14km, vận tốc leo cao 230m/s.

Về mặt hỏa lực, máy bay cường kích Su-22 thiết kế với với 2 pháo 30mm (cơ số đạn 80 viên) đặt ở 2 cánh, 2 giá treo dưới cánh mang 2 tên lửa đối không R-60 (tầm bắn 8km) và 10 giá treo (6 đặt ở dưới cánh và 4 đặt trên thân máy bay).

Trong tấn công mục tiêu mặt đất, Su-22 có thể mang được bom, rocket. Riêng biến thể Su-22M4 mang được cả vũ khí có điều khiển gồm: tên lửa không đối đất Kh-23; tên lửa đối đất/chống radar Kh-25; tên lửa chống radar Kh-28; tên lửa đối đất/đối hải Kh-29 và bom có điều khiển bằng lade, quang học.

Máy bay Su-22 chính thức được Liên Xô giới thiệu năm 1970, đi vào sản xuất từ năm 1969 tới tận 1990 tại Liên hiệp sản xuất máy bay Komsomolsk-on-Amur với tổng cộng 2.867 chiếc. Quá nửa trong số này được xuất khẩu cũng như viện trợ miễn phí tới khoảng 20 quốc gia trên thế giới ở châu Á, châu Phi, châu Âu. Chính vì vậy, nó nhanh chóng bắt đầu có các cuộc tham chiến thử nghiệm đầu tiên.

Trút bom ở Afghanistan

Đầu tiên là cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Không quân Liên Xô đã điều động các máy bay Su-17 (tên gọi biến thể nội địa của Su-22) để tham chiến chống phiến quân Mujahideen.

Trong điều kiện khắc nghiệt của vùng nhiệt đới, với những sân bay nằm ở độ cao lớn, nhiệt độ cao, nhiều bụi cát… Khoảng 100 chiếc Su-17 ở nhiều phiên bản đã phải hoạt động liên tục, với mức độ sẵn sàng chiến đấu vượt qua cả máy bay cường kích Su-25 và các trực thăng vũ trang. Vào mùa hè, mật độ xuất kích của Su-17 tăng gấp rưỡi. Nhiều máy bay khi hạ cánh đã bị nổ lốp do nhiệt độ cao.


Su-17 của Không quân Liên Xô.

Tại Afghanistan, vai trò của Su-17 là tiến công mặt đất bằng các vũ khí không điều khiển như rocket hay bom, trong khi Su-25 sẽ đảm nhiệm việc tiến công chính xác. Điều này là hợp lí vì hệ thống điện tử của Su-17 nhìn chung khá yếu, chỉ có thể sử dụng một cách hạn chế các tên lửa dẫn bắn bằng quang truyền hình.

Tuy nhiên, do thiếu giáp bảo vệ như Su-25, nên Su-17 dễ bị tổn thương bởi hỏa lực phòng không mặt đất của đối phương, đặc biệt là các tên lửa phòng không vác vai như Strela-2, FIM-43 Redeye và FIM-92 Stinger. Các máy bay Su-17 đã phải nâng độ cao hoạt động lên 3.500-4.000m, đồng thời mang theo 12 mồi bẫy pháo sáng để tránh hiểm họa này.

Sau khi Liên Xô tan rã, các máy bay Su-17M4 tiếp tục được sử dụng thêm một thời gian nữa, và có các cuộc không kích ở Chechnya. Năm 1998, Su-17 chính thức được nghỉ hưu trong Không quân Nga.

Nhiệm vụ bất đắc dĩ

Dù được thiết kế để có vai trò thứ 2 - tiêm kích phòng không với khả năng mang 2 tên lửa không đối không tầm nhiệt R-60 hoặc K-13. Nhưng do kết cấu cánh đặc biệt khiến máy bay Su-22 không có khả năng cơ động cao - tính sống còn trong không chiến. Hơn thế, việc không có radar cũng khiến cho Su-22 không có khả năng phát hiện mục tiêu địch trên không. Vì vậy, không lạ khi Su-22 gặp nhiều thất bại ở Trung Đông, châu Phi...

Ở Syria, các máy bay Su-20 và Su-22 (phiên bản xuất khẩu của Su-17) của nước này đã bị thất thế trước Không quân Isarel trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 và chiến tranh Lebanon 1982. Đặc biệt là trong chiến dịch Mole Cricket 19, tiêm kích F-15 và F-16 hiện đại hơn của Isarel đã áp đảo hoàn toàn Không quân Syria.


Máy bay Su-22 của Không quân Libya.

Còn tại Libya, hai chiếc Su-22 của nước này đã bị bắn hạ trong trận đánh vịnh Sidra ngày 19/08/1981. Những chiếc Su-22 đã không đảm bảo được yếu tố bí mật. Một chiếc đã phóng đạn đối không K-13 Vympel ở tư thế đối đầu với tiêm kích hạm cực mạnh F-14 của Mỹ, ở cự li chỉ 300m, song không thành công. Lưu ý rằng, tuy F-14 cũng dùng kiểu cánh cụp cánh xòe, nhưng nó lợi thế hơn ở chỗ được trang bị radar mạnh hơn (Su-22 không có radar), cùng bộ vũ khí đối không từ tầm ngắn tới tầm xa.

Sau này, trong những xung đột của phong trào “Mùa xuân Arab” tại Libya, những chiếc Su-22 cũng đã được lực lượng trung thành với Gaddafi sử dụng để tấn công lực lượng nổi dậy. Một số đã bị bắn hạ bởi các tên lửa phòng không vác vai. Số khác đã bị không quân của Mỹ và đồng minh phá hủy khi tiến hành chiến dịch thiết lập “vùng cấm bay”. Cá biệt, vào ngày 23/02/2011, đã có hai phi công lái Su-22 bỏ máy bay nhảy dù khi được giao nhiệm vụ không kích.


Su-22 của Không quân Iraq bị hư hỏng do Mỹ không kích.

Trong các cuộc chiến vùng Vịnh 1991, Không quân Iraq tiếp tục mất thêm nhiều máy bay Su-22 vì không chiến với các máy bay F-15C, cũng như vì các cuộc tấn công mặt đất.

Tại Angola, trong giai đoạn 1987-1994, các máy bay Su-22 đã tham chiến không kích phiến quân UNITA, và một số đã bị bắn hạ. Cho đến gần đây, Không quân Yemen vẫn sử dụng các máy bay Su-22 để chống lại các lực lượng nổi dậy ở nước này. Một số Su-22 đã bị mất vì lí do kĩ thuật và hỏa lực phòng không mặt đất.

Tại Nam Mỹ, Peru là nước duy nhất có trang bị máy bay Su-22. Ngày 24/4/1992, một chiếc Su-22 đã tấn công máy bay vận tải C-130H Hercules của Mỹ ở phía tây Lima, làm 6 trong số 14 thành viên phi hành đoàn bị thương vong. Sự việc này đã gây ra những sự cố chính trị - ngoại giao nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Tiếp đó, vào năm 1995, chiến tranh giữa Peru và Ecuador bùng nổ. Những chiếc Su-22 đã thực hiện khoảng 45 phi vụ chiến đấu. Ngày 10/2/1995, hai chiếc Mirage F1JA của Ecuador đã bắn hạ hai chiếc Su-22 tại vùng thung lũng Cenepa. Sau đó, phía Peru đã tổ chức lực lượng đáp trả gồm 20 chiếc Su-22 ở El Pato, nên phía Ecuador đã dừng việc tấn công các cảng biển của nước này.

Nhìn chung, ngay từ đầu Su-22 không được thiết kế cho vai trò tiêm kích phòng không nên việc phải đụng với tiêm kích đa năng F-15, F-16 thì thất bại là khó tránh khỏi. Ngoài ra, không thể không kể đến lỗi của phi công các nước Ả Rập - "chưa đánh đã chạy".

Su-22 không phải là chiến đấu cơ yếu ớt, nó rất mạnh nhưng cần phải sử dụng đúng mục đích, đúng vai trò, chiến thuật hợp lý, phi công có kĩ năng tốt, tinh thần chiến đấu thì mới phát huy được sức mạnh thật sự.

Theo Kiến Thức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video