Máy bay cường kích Su-22 của Việt Nam được thiết kế với kiểu cánh cụp cánh xòe đặc biệt, phù hợp với nhiệm vụ tấn công trên bộ, trên biển.
Vào khoảng 11h30 phút trưa 16/4, tại địa phận gần đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, hai chiếc máy bay cường kích Su-22 của Không quân Việt Nam đang thực hiện bài tập nhào lộn để cắt bom thì gặp nạn. Các công tác tìm kiếm phi công và xác máy bay đang tích cực được thực hiện.
Su-22 hiện là một trong những máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Nhân dân Việt Nam. Nó được biên chế cho cả 3 sư đoàn không quân 370, 371 và 372 làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển. Hầu hết các máy bay Su-22 đều do Liên Xô viện trợ từ những năm 1980 và một phần được mua từ các nước Đông Âu sau năm 1990.
Đây là loại máy bay cường kích làm nhiệm vụ tấn công tiêu diệt mọi mục tiêu trên mặt đất hoặc trên biển với các loại vũ khí có điều khiển, không điều khiển. Thậm chí, khi cần nó cũng có khả năng tác phòng không. Hiện nay, Trung đoàn Không quân Tiêm kích 921 Sao Đỏ cũng sử dụng Su-22 làm nhiệm vụ phòng không tạm thay thế cho tiêm kích MiG-21 đã cũ.
Điểm đặc biệt trên máy bay cường kích Su-22 của Việt Nam là thiết kế kiểu cánh cụp cánh xòe. Nghĩa là, cánh máy bay có thể giang rộng ra hoặc áp sát vào thân máy bay. Hiện không có quốc gia nào ở Đông Nam Á sở hữu loại máy bay tương tự Su-22. Trong ảnh là một chiếc Su-22 đang giang rộng cánh (trên) và một chiếc cụp cánh (dưới) của Không quân Ba Lan.
Việc thiết kế cánh này giúp cho máy bay bay tầm thấp với tốc độ cao hoặc đạt tốc độ cao vượt âm thanh ở trần bay lớn.
Khi cánh xòe hết cỡ thì lực nâng của cánh tăng lên cho phép máy bay có thể cất hạ cánh đường băng ngắn.
Máy bay cường kích Su-22 được trang bị động cơ tuốc bin phản lực Lyuka AL-21F3 cho phép đạt tốc độ tối đa 1.860km/h ở trên độ cao lớn, bán kính chiến đấu hơn 500km, trần bay hơn 14km, vận tốc leo cao 230m/s.
Trong các biến thể Su-22 mà Việt Nam đang sử dụng thì mẫu Su-22M4 là loại hiện đại nhất. Đấy là biến thể sản xuất cuối cùng với nâng cấp đáng kể về hệ thống điện tử gồm: hệ thống dẫn đường RSDN, hệ thống dẫn đường quán tính, hệ thống đo khoảng cách bằng lade, hệ thống radar cảnh báo SPO-15LE. Trên máy bay thiết kế thêm khe nạp không khí bổ sung để có thêm luồng không khí làm mát động cơ. Trong ảnh là buồng lái một chiếc Su-22M4 Không quân Ba Lan.
Biến thể Su-22M4 Việt Nam dùng cũng đã được trang bị hệ thống phóng mồi bẫy nhiệt đánh lừa tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại. Trong ảnh là một chiếc Su-22M4 phóng mồi bẫy nhiệt.
Về mặt hỏa lực, máy bay cường kích Su-22 thiết kế với với 2 pháo 30mm (cơ số đạn 80 viên) đặt ở 2 cánh, 2 giá treo dưới cánh mang 2 tên lửa đối không R-60 (tầm bắn 8km) và 10 giá treo (6 đặt ở dưới cánh và 4 đặt trên thân máy bay).
Trong tấn công mục tiêu mặt đất, Su-22 có thể mang được bom, rocket. Riêng biến thể Su-22M4 mang được cả vũ khí có điều khiển gồm: tên lửa không đối đất Kh-23; tên lửa đối đất/chống radar Kh-25; tên lửa chống radar Kh-28; tên lửa đối đất/đối hải Kh-29 và bom có điều khiển bằng lade, quang học. Trong ảnh là cán bộ kỹ thuật của Việt Nam chuẩn bị lắp tên lửa chống radar Kh-28 lên Su-22M4.
Trong ảnh là cán bộ của Việt Nam chuẩn bị lắp bom không điều khiển lên chiếc Su-22M4.
Su-22 cũng có thể lắp các cụm ống phóng rocket từ cỡ nhỏ tới cỡ lớn. (Ảnh minh họa nước ngoài).