Một phi hành gia chụp ảnh hố xanh khổng lồ Great Blue và rạn đá san hô Lighthouse ngoài khơi Belize từ Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chia sẻ bức ảnh chụp hố xanh Great Blue của một thành viên trong phi đội 62 khi trạm ISS bay qua biển Caribe hồi tháng 3/2020. Great Blue là hố sụt dưới biển lớn nhất thế giới, rộng khoảng 305m và sâu 122m. Hố sụt này nằm ở ngoài khơi cách bờ biển Belize khoảng 80km.
Hố sụt Great Blue Hole nhìn từ vũ trụ. (Ảnh: NASA).
Giới chuyên gia cho rằng Great Blue đã hình thành cách đây hàng trăm nghìn năm dưới dạng hang động đá vôi khi mực nước biển thấp hơn ngày nay. Khi kết thúc kỷ Băng Hà cuối cùng, mực nước biển dâng lên và hang động bị ngập. Theo Đài quan sát Trái Đất của NASA, dù sự sống rất dồi dào xung quanh rạn san hô Lighthouse, tình trạng thiếu ánh sáng và lượng tuần hoàn oxy thấp ở đáy hố xanh Great Blue có nghĩa rất ít sinh vật có thể tồn tại ở đó.
Gần đây, những điểm sâu nhất của hố sụt mới được khám phá. Năm 2018, nhóm nghiên cứu bao gồm Richard Branson và Fabien Cousteau khám phá đáy của hố sụt để tạo bản đồ 3D kết cấu bên trong. Theo nhà thám hiểm kiêm phi công lái tàu ngầm Erika Bergman, người tham gia lặn xuống Blue Hole, nhóm của họ phát hiện không có oxy bên dưới lớp hydro sulfate.
"Không có oxy, không thứ gì có thể tồn tại", Erika nói. "Bên dưới lớp hydro sulfate rất tối. Nhìn thẳng từ bên trong tàu ngầm, bạn hầu như chỉ thấy viền hình tròn của miệng hố. Tất cả ánh sáng chiếu xuống hố đều bị chặn lại bởi lớp chất hóa học mỏng".
Việc tìm hiểu sự sống bên trong hố xanh nằm trong dự án nghiên cứu của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA). Năm ngoái, các nhà khoa học cũng thám hiểm hố Amberjack ở ngoài khơi Florida, đo lượng dưỡng chất và hợp chất ở đáy, đồng thời lấy mẫu vật tầng lõi.