Hóa thạch một loài cây ăn thịt được tìm thấy trong miếng hổ phách Baltic có niên đại khoảng 40 triệu năm tuổi.
>>> Những loài cây ăn thịt ẩn thân cực đỉnh
Các nhà khoa học từ Đại học Göttingen, Đức, lần đầu tiên tìm thấy hóa thạch của loài cây ăn thịt trong miếng hổ phách ở gần Kaliningrad, Nga. Theo báo cáo của nhóm được đăng tải hôm 1/12 trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, hóa thạch này có thể thuộc họ cây ăn thịt Roridulacea, niên đại từ 35 đến 47 triệu năm.
Hóa thạch một loại cây ăn thịt trong miếng hổ phách Baltic. (Ảnh: Alexander Schmidt/University of Gottingen)
"Đây là phát hiện đầu tiên về một hóa thạch thực vật ăn thịt thuộc loại này. Hầu hết thực vật ăn thịt không được lưu giữ dưới dạng hóa thạch, bởi chúng không có cấu tạo từ gỗ và bị phân hủy nhanh chóng”, Discovery News dẫn lời giáo sư Alexander Schmidt, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Những chiếc lá hóa thạch có tuyến đa bào, hoặc xúc tu và lông đơn bào giống đặc điểm trên lá cây Roridula, loài đặc hữu của hệ thực vật ở Mũi Hảo vọng, Nam Phi. Roridula bẫy côn trùng có kích cỡ bằng con ruồi bằng chất dính trên các lá và dựa vào một số loài sinh vật sống cộng sinh để tiêu hóa con mồi.
Họ thực vật Roridulacea được cho là có nguồn gốc từ châu Phi và bị cô lập sau khi siêu lục địa Gondwana (bao gồm châu Phi hiện đại ngày nay, Nam Mỹ, Madagascar, Ấn Độ, Australia, Trung Đông và Nam Cực) tách khỏi nhau khoảng 180 triệu năm trước.
Phát hiện này có thể giúp giới nghiên cứ tìm hiểu thêm về quá trình tiến hóa của sinh vật và môi trường sống trong thời kỳ Eocene (cách đây hơn 35 triệu năm). Trong thời kỳ này, các khu rừng hỗn giao, thực vật có hoa, cây ăn thịt ở khu vực ven biển Baltic sống trong môi trường nghèo dinh dưỡng và sinh cảnh phân bố không đồng đều.