Hoàng đế phong kiến thường có 1001 tuyệt chiêu để tự bảo vệ mình. Một trong số đó là nắm chắc điểm yếu của những kẻ tùy tùng.
Từ xa xưa, bên cạnh tiền bạc, quyền lực luôn là một niềm khao khát của rất nhiều người, có thể nói rằng, có quyền lực thì sẽ có tất cả. Hoàng đế cũng vậy! Ông ta nắm trong tay quyền xử lý với cả mọi thứ, kể cả với bậc sinh thành phụ mẫu.
Tuy nhiên, làm hoàng đế không hề dễ dàng, vì ông ta phải dung hòa nhiều mối quan hệ xung quanh mình và đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập.
Liệu độc giả có bao giờ đặt câu hỏi: Tại sao những thị vệ xung quanh hoàng đế không dám ám sát ông ta? Đó là bởi vì hoàng đế cũng có những tuyệt chiêu để bảo vệ chính mình.
Thị vệ là lực lượng tinh nhuệ nhất và được hưởng nhiều lợi ích quan trọng. (Ảnh: QQ).
Thứ nhất, lực lượng thị vệ là những người có xuất thân rõ ràng, được tuyển chọn vô cùng kỹ lưỡng, đảm bảo tuyệt đối trung thành với hoàng đế.
Thị vệ thường có xuất thân hoàng tộc và từ gia đình các quan lại trong triều đình, một số người còn được sống cùng hoàng đế ngay từ nhỏ, có mối quan hệ tình cảm thân thiết, thấu hiểu hoàng đế. Họ cũng được huấn luyện nghiêm ngặt, trải qua nhiều bài thi khốc liệt mới có thể được tuyển chọn bên cạnh hoàng đế.
Thứ hai, những lợi ích mà thị vệ được hoàng đế ban cho. Bảo vệ hoàng đế cũng có nghĩa là bản thân cũng đối mặt với vô vàn khó khăn, nguy hiểm, đổi lại thị vệ cũng được đãi ngộ xứng đáng.
Thứ mà họ có được không chỉ là chức tước, danh hiệu hoàng đế ban mà là các lợi ích thực chất, như vàng bạc, đất đai, nô bộc, thậm chí có khi còn được hoàng đế ban cho hôn ước. Được hưởng những lợi ích lớn như vậy, liệu thị vệ có còn muốn làm phản hay không?
Cuối cùng, thứ hoàng đế nắm trong tay, có thể khống chế bất cứ thị vệ nào, đó là toàn bộ gia quyến của thị vệ, chứ không phải là thị vệ.
Xét từ quan hệ quyền lợi mà nói, thị vệ bảo vệ hoàng đế, ngược lại, hoàng đế cũng đang bảo vệ chính toàn bộ gia tộc của thị vệ. Nếu có lòng mưu phản, bị phát giác, thị vệ sẽ bị tội chu di tam tộc trở lên. Điều này khiến họ phải cân nhắc trước khi hành động.
Các vị hoàng đế cũng nắm trong tay những "thuật trị người", "thuật trị nước", vốn đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của trường phái Pháp gia trong lịch sử. Có thể thấy, làm hoàng đế vốn là công việc vô cùng vất vả, tất nhiên không dành cho kẻ yếu đuối.