Hoàng đế nhà Tân, Vương Mãng có tư tưởng và hành động vượt xa thời đại, khiến ông được người đời tung hô là nhà cải cách đến từ tương lai.
Vương Mãng sinh năm 45 TCN, xuất thân trong gia đình quan lại quý tộc, là cháu ruột của Thái Hoàng hậu Vương Chính Quân - Hoàng hậu duy nhất của Hán Nguyên Đế.
Từ vai trò ngoại thích trong triều đình nhà Hán, Vương Mãng đã từng bước lên nắm những chức vụ cao nhất, thao túng việc triều chính và cuối cùng là cướp ngôi nhà Hán.
Vương Mãng, hoàng đế duy nhất thời nhà Tân được mệnh danh là người du hành thời gian (Ảnh: Sohu).
Ông cũng trở thành vị hoàng đế duy nhất của nhà Tân, làm gián đoạn thời kỳ nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều khiến người đời nhắc nhiều đến vị hoàng đế này, là ông mang lại rất nhiều cải cách mang tính "vượt thời đại", đến nỗi ông được tung hô là "đến từ tương lai".
Đầu tiên phải kể tới cải cách ruộng đất của Vương Mãng. Ngay khi lên ngôi, Vương Mãng cấm bán đất, rồi tiến đến quốc hữu hóa đất đai, chia đều cho người dân.
Chính sách này là một đòn giáng mạnh vào giai cấp địa chủ hùng mạnh lúc bấy giờ, nhưng mang lại lợi ích to lớn cho đại đa số người nông dân.
Tư duy tiến bộ của ông nhắc nhở người đời về việc theo đuổi sự công bằng và chính đáng trong xã hội hiện đại. Đây là điều quá đỗi xa vời và không mấy thực tế tại thời phong kiến, cách đây trên 2.000 năm.
Vương Mãng cũng đấu tranh chống lại chế độ nô lệ. Ông cấm buôn bán nô lệ dưới mọi hình thức, và cố gắng xóa bỏ dần chế độ nô lệ thông qua các biện pháp hợp pháp hóa, nhằm bảo vệ nhân quyền.
Về mặt tiến bộ công nghệ, Vương Mang cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm và có những cải cách "xuyên không thời gian".
Ông khuyến khích đổi mới công nghệ, và một số bằng chứng trong sử sách Trung Hoa cổ đại thậm chí cho rằng ông đã tiếp xúc với nguyên mẫu của một chiếc máy bay.
Những cải cách mang tính đột phá của Vương Mãng không giúp ông có được một triều đại bền vững. Sau 16 năm, triều đại nhà Tân mà vị hoàng đế này sáng lập đã sụp đổ, sau cuộc khởi nghĩa với danh nghĩa khôi phục nhà Hán.
Vương Mãng dù "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý", nhưng không thể cứu vãn chính mình, để rồi mất mạng dưới tay quân khởi nghĩa. Không chỉ vậy, những cải cách của ông nhanh chóng bị đảo nghịch, chỉ vì nó không hợp với tư duy của đa số tầng lớp thời bấy giờ.
Có thể nói, trong suốt 2.000 năm qua, Vương Mãng là một trong những hoàng đế gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử Trung Quốc.
Có người ca ngợi ông là nhà cải cách lỗi lạc, là bậc anh hùng sinh nhầm thời. Người lại chê trách ông là kẻ ngông cuồng, thực hiện nhiều chính sách cải cách chẳng qua là để "thể hiện cái tôi", cũng như củng cố sự thống trị của bản thân.