Các nhà khoa học Anh vừa có một phát hiện gây tranh cãi rằng, gen có ảnh hưởng tới kết quả thi cử của trẻ em lớn hơn nhiều chất lượng của ngôi trường theo học hay những nỗ lực nuôi dưỡng và dạy dỗ của bố mẹ.
Theo tạp chí PLOS One, các nhà nghiên cứu đến từ trường King’s College London (Anh) đã tiến hành phân tích kết quả thi GCSE, chương trình trung học cơ sở 2 năm được thiết kế cho học sinh lứa tuổi 14 - 15 (tương đương với lớp 10 THPT ở Việt Nam), của 11.000 trẻ vị thành niên.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, các gene của mỗi đứa trẻ, tính trung bình, tạo ra 58% khác biệt về kết quả thi ở những môn then chốt là tiếng Anh, toán và khoa học. Các yếu tố môi trường như trường học, khu dân cư và gia đình, được cho là chỉ có tác động 29%. Những yếu tố khác, đặc trưng với mỗi cá nhân gây ra 113% ảnh hưởng còn lại.
Theo các nhà nghiên cứu Anh, gen quyết định tới 58% kết quả thi cử của mỗi học sinh. (Ảnh minh họa: Word Press)
Kết quả phân tích còn cho thấy, các đặc điểm di truyền dường như còn có tác động lớn hơn đối với kết quả của những môn khoa học (58%) so với kết quả của các môn xã hội (42%) như nghiên cứu truyền thông, nghệ thuật hay âm nhạc.
Nicholas Shakeshaft, người đứng đầu nghiên cứu, tuyên bố: "Trẻ em luôn khác nhau về khả năng học ở trường. Nghiên cứu của chúng tôi hé lộ, sự khác biệt về thành tích học tập của học sinh phụ thuộc nhiều vào tính thiên bẩm hơn là quá trình nuôi dạy".
Tuy nhiên, ông Shakeshaft cảnh báo không nên suy luận rằng, thành tích học tập là "do gene định trước". Thay vào đó, việc công nhận tính thiên bẩm của mỗi đứa trẻ có thể giúp cải thiện việc học hành. Nhà nghiên cứu này cũng ủng hộ chương trình giáo dục "cá nhân hóa", tức là quan tâm đến những khác biệt của trẻ em, thay vì chương trình giáo dục "đồng mức" cho mọi người, phớt lờ các đặc trưng di truyền.
Công trình nghiên cứu của ông Shakeshaft và các cộng sự một lần nữa đã dấy lên cuộc tranh cãi về tầm quan trọng của tính thiên bẩm so với quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc con người. Kết luận của họ dường như cũng ủng hộ phát biểu làm "dậy sóng dư luận" hồi tháng trước của Thị trưởng London Boris Johnson rằng, một số người thăng tiến tới các vị trí quyền lực vì họ bẩm sinh đã thông minh hơn những người khác.
Trong khi tranh cãi còn chưa ngã ngũ, nhiều giáo viên và chính trị gia lo ngại rằng, cách tiếp cận thiên về di truyền trong giáo dục có thể dẫn tới tình trạng những trẻ kém thông minh hơn sẽ bị "gạt bỏ ngoài lề".