Hội chứng khô mắt khô miệng

Do một bệnh viêm tự miễn mạn tính, một số người bị thiểu năng tuyến nước bọt và tuyến lệ mạn tính, gây viêm giác kết mạc khô và khô miệng.

Hội chứng này có tên là Sjogren, tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao gấp 9 lần nam giới. Bệnh hay xuất hiện đặc biệt vào tuổi mãn kinh. Khoảng 50% các trường hợp bệnh không rõ nguyên nhân, đó là hội chứng khô mắt miệng tiên phát. Các nguyên nhân có thể gặp là các bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể (khô mắt miệng thứ phát).

(Ảnh: TTO)

Triệu chứng là khô mắt, có thể dẫn đến viêm giác kết mạc khô, khô miệng gây viêm niêm mạc miệng, sâu răng. Sờ thấy tuyến mang tai phì đại trong 50% trường hợp. Có thể có các biểu hiện khác như khô niêm mạc mũi, viêm phế quản mạn tính, xơ phổi, teo da, viêm dạ dày vô toan, viêm mao mạch.

Tổn thương mắt

1/3 bệnh nhân có viêm giác kết mạc khô không than phiền gì về mắt của mình. Trong số các rối loạn chức năng, cảm giác có dị vật trong mắt là khó chịu nhất. Triệu chứng ít gặp hơn nhưng rất gợi ý là không có nước mắt khi bị kích thích như bóc hành hay khi xúc động. Các chất xuất tiết dày làm dính mi mắt vào buổi sáng. Cảm giác có màng che trước mắt, biến mất khi chớp mắt do có những cặn nhầy trước giác mạc. Cảm giác sợ ánh sáng có thể gây bực bội. Các triệu chứng khác: đau mắt, cảm giác bị chích vào mắt, khó chớp mắt hiếm gặp hơn. Bệnh nhân dễ giảm thị lực do tổn thương giác mạc.

Các biến chứng có thể xảy ra là loét giác mạc, viêm mống mắt thể mi, thủng giác mạc, sẹo hóa…

Tổn thương tuyến nước bọt

Lúc đầu, bệnh nhân thấy khô miệng, môi, cảm giác khó khăn khi nhai và nuốt nên phải uống nước nhiều trong khi nói và ăn.

Ở giai đoạn sau, hội chứng khô miệng trở nên rõ rệt và kết thúc bằng khó nhai và khó nuốt, khiến người bệnh phải làm ẩm miệng thường xuyên bằng cách mút kẹo chua, liên tục nhấp môi và uống nước cả ngày và đêm. Chứng khô miệng trở nên rất khó chịu với cảm giác bỏng rát miệng, tăng lên khi dùng thức ăn chua và gia vị, xuất hiện các vết nứt gây đau ở mép và lưỡi. Vị giác bị rối loạn. Về lâu dài, nó tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng miệng, đặc biệt do nấm.

Tình trạng răng trở nên tồi tệ: sâu răng, mòn răng sớm, rụng mảnh hàm làm mất răng dần dần. Các hàm răng giả làm bệnh nhân khó chịu. Ở những thể muộn, niêm mạc miệng khô, mờ, xỉn, lưỡi mất gai, có các rãnh sâu và răng xấu.

Điều trị

Với chứng khô mắt,cần nhỏ nước muối sinh lý hay sử dụng nước mắt nhân tạo. Nó cải thiện chức năng trong 45% các trường hợp. Có thể dùng các yếu tố tiêu nhày: thuốc nhỏ mắt chứa hyaluronidase, bromhexine (Bisolvon). Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid tuyệt đối cấm vì có nguy cơ gây nhiễm trùng, thiên đầu thống, thủng giác mạc. Sử dụng thường xuyên thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh không đủ để phòng ngừa nhiễm khuẩn.

Để điều trị khô miệng, bệnh nhân nên ngậm kẹo chua hay nhai kẹo cao su. Một số bệnh nhân cần giữ cho miệng ẩm bằng cách thường xuyên uống nước hay dùng glycerin. Có thể sử dụng dụng cụ điện để kích thích tiết nước bọt. Có cả chất thay thế nước bọt dùng qua đường phun (artisial), hay được giải phóng ra từ bình chứa gắn trong miệng.

Để giảm sâu răng, cần phải giữ vệ sinh răng miệng thật tốt: Dùng thuốc đánh răng chứa fluor, đánh răng hai lần trong một ngày, cạo cao răng, bỏ thuốc lá, điều trị các nhiễm trùng răng miệng (nấm). Cần tránh dùng thuốc atropin, liệt phó giao cảm, thuốc hướng tâm thần. Nếu tuyến mang tai quá to thì có thể phẫu thuật. Chống chỉ định chiếu xạ tại chỗ vì nó tạo thuận lợi cho xuất hiện hội chứng tăng sinh lympho ác tính.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, TTO
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video