Có những người bị buộc phải cười mọi lúc mọi nơi, không thể dừng lại được.
Sự vui tính luôn có một chỗ đứng nhất định trong xã hội. Ai chẳng muốn làm bạn với một anh chàng dí dỏm, luôn nói những lời hóm hỉnh, vui vẻ khiến người khác phải bật cười, đúng chứ?
Nhưng lời nói đùa phải được đặt đúng chỗ. Đùa không đúng lúc, người ta sẽ gọi đó là vô duyên. Vậy mà, có những người lúc nào cũng phải "vô duyên" như thế. Họ luôn phải nói những lời bông đùa mọi lúc, mọi nơi. Đó là những người mắc phải hội chứng "nghiện nói đùa" - Witzelsucht (một từ gốc tiếng Đức).
Nghe tưởng đùa, nhưng hóa ra hội chứng "nghiện nói đùa" là có thật, và là vấn đề về thần kinh.
Một nghiên cứu của ĐH California, Los Angeles (UCLA, Mỹ), được thực hiện trên 2 trường hợp điển hình về hội chứng này. Đầu tiên là trường hợp của một người đàn ông 69 tuổi. Trong vòng 5 năm, ngày nào ông cũng dựng vợ dậy vào lúc nửa đêm chỉ để... kể chuyện cười.
Đến khi vợ ông phải "nộ khí xung thiên", trò đùa mới chấm dứt. Nhưng thay vào đó, ông viết tất cả những câu chuyện đó ra giấy - gồm những cách nói chơi chữ về chủ đề... bài tiết. Tính đến thời điểm bắt đầu nghiên cứu, số truyện cười ông viết ra giấy lên tới 50 trang.
Sự vui tính luôn có một chỗ đứng nhất định trong xã hội.
Trường hợp 2 là về một người đàn ông 57 tuổi. Một ngày đẹp trời, công ty quyết định đuổi việc ông, cũng chỉ vì cái tật đùa mọi lúc mọi nơi. Theo lời kể, ông luôn cười trước mọi câu đùa - chủ yếu là do ông tự nói, và chúng thường là về chủ đề "giường chiếu" hoặc chính trị. Ông thậm chí sẵn sàng nhảy bổ vào đồng nghiệp, kéo carvat của họ rồi so sánh chúng với nhau.
Điểm chung của 2 nhân vật này, đó là họ không thể ngưng cười đùa, và đều mắc các bệnh liên quan đến não bộ.
Ở trường hợp người đàn ông đầu tiên thì 10 năm trước khi thí nghiệm diễn ra, ông đã bị xuất huyết não, sau đó trở thành một con người khác hẳn. Ông bắt đầu "cuồng" tái sử dụng - tức là tìm cách tái chế đồ mọi lúc mọi nơi, thậm chí còn tích trữ giấy ăn của các nhà hàng. Sau đó vài năm, ông chuyển sang "nghiện nói đùa", nhưng chỉ thấy lời nói đùa của bản thân là thú vị mà thôi.
Những người này chỉ thấy lời nói đùa của bản thân là thú vị. (Ảnh minh họa).
Đối với trường hợp thứ 2, thì sau khi người này qua đời, các bác sĩ đã mổ khám nghiệm tử thi và phát hiện ra rằng ông bị bệnh Pick. Đây là một trong các dạng bệnh của chứng mất trí nhớ, gây ảnh hưởng đến vùng thùy trước trán của não bộ.
Những dấu hiệu đáng lo ngại
Theo như nghiên cứu của UCLA, cả 2 trường hợp kể trên đều bị tổn thương vùng thùy não trước, đặc biệt là bên phần não phải. Đây là khu vực chịu trách nhiệm xử lý cảm giác hóm hỉnh, giúp chúng ta cảm nhận được thế giới xung quanh hài hước như thế nào.
Bị tổn thương ở khu vực này, bạn vẫn có thể cảm thấy vui, nhưng sẽ khó khăn hơn trong việc cảm nhận sự hài hước từ người khác. Hơn nữa, họ khó lòng tự kiểm soát việc cười đùa, trong khi trò đùa của họ thì... nhạt nhẽo và cực kỳ vớ vẩn.
Hầu hết các trường hợp bị kích thích cười quá mức, dẫn đến khả năng bị trầm cảm nặng.
Hiếm ai chết vì cười, nhưng những người không thể dừng nói đùa lại là dấu hiệu của một số chứng bệnh nghiêm trọng hơn liên quan đến não bộ. Hầu hết các trường hợp bị kích thích cười quá mức, dẫn đến khả năng bị trầm cảm nặng.
Trong một số trường hợp, nó thậm chí có thể biến thành chứng "cuồng dâm" - hypersexuality - khi người bệnh lúc nào cũng chực chờ nói những từ ngữ và trò đùa liên quan đến sex.
Vậy đấy, những lời đùa giỡn không phải lúc nào cũng tốt đâu. Nếu cảm thấy ai đó quá dễ cười đùa, có lẽ nên khuyên họ cẩn thận thì hơn.