Trên thế giới, có một nhóm người sở hữu khả năng phi thường đó là có thể nhớ từng giây, từng phút của mỗi ngày trong cuộc sống.
Trên thế giới, có một nhóm người sở hữu khả năng phi thường đó là có thể nhớ từng giây, từng phút của mỗi ngày trong cuộc sống. Nghe có vẻ hấp dẫn khi có được năng lực này nhưng không phải tất cả họ đều vui mừng...
Đối với hầu hết chúng ta, trí nhớ giống như một cuốn sổ lưu niệm chứa đựng những bức ảnh chụp mờ và nhạt dần về những ký ức, những cảm xúc mà chúng ta trải qua. Ngay cả với người sống nặng lòng với quá khứ thì những khoảnh khắc cảm động nhất cũng có thể bị thời gian gột sạch. Nhưng với những người mắc hội chứng trí nhớ siêu phàm, mọi hình ảnh, âm thanh, cảm xúc đều như được lưu giữ trong một ổ đĩa, chỉ cần nhắc lại sẽ hiện ra rõ ràng, chân thật như vừa xảy ra.
Những người có trí nhớ không bao giờ quên
Nếu gặp Nima Veiseh và hỏi anh ta đã làm gì vào bất cứ ngày nào trong 15 năm trước, anh ta sẽ cho bạn biết từng chi tiết nhỏ nhất như thời tiết ra sao, anh ta mặc gì, ngồi ở đâu... Veiseh cho biết ký ức của mình hoạt động như một cuốn băng vừa thu vừa phát liên tục trong suốt 15 năm. Những người có khả năng ghi nhớ siêu phàm như Veiseh được các nhà khoa học đưa vào nhóm những người mắc hội chứng Highly superior autobiographicall memory (viết tắt là HSAM - siêu trí nhớ về bản thân). Cũng giống như Veiseh, cô gái Jill Price tại Mỹ cũng có khả năng tương tự. Price có thể nhớ được chính xác những gì đã xảy ra trong cuộc sống của mình từ năm 12 tuổi đến nay.
Thùy trước trán của người HSAM làm việc tốt hơn những người khác.
Tuy nhiên, theo những nghiên cứu mới nhất của TS. Lawrence Patihis - chuyên gia thuộc Đại học Nam Missisipi (Mỹ), những bộ nhớ tưởng chừng như siêu phàm đó lại không siêu phàm như mọi người vẫn nghĩ. Vì những người có khả năng HSAM vẫn có thể nhớ sai. Chưa kể, những người này thường chỉ nhớ được chuyện xảy ra với bản thân mình nhưng lại không biết đến các sự kiện diễn ra trên thế giới. Hay thậm chí một số người chỉ có thể nhớ những gì xảy ra cách đây 20 năm nhưng lại không thể nhớ được điều vừa diễn ra cách đây 5 phút.
Giải mã hội chứng trí nhớ siêu phàm
Những cá nhân như Vaisih và Jill khiến các nhà khoa học đặt ra câu hỏi làm cách nào để bộ não của họ ghi nhớ được toàn bộ các sự vật, hiện tượng, cảm xúc như vậy?
Sau thời gian dài quan sát và nghiên cứu, TS. Craig Stark thuộc Trường đại học California (Mỹ) đã tiến hành chụp quét não của những người HSAM và kết quả cho thấy “họ chẳng có thêm thùy não hay bán cầu não thứ ba nào cả”. TS. Stark cho biết: “Não họ không có điểm khác biệt so với người bình thường”. Tuy nhiên, chỉ có phần thùy trước trán - bộ phận quản lý ký ức làm việc tốt hơn. Dựa trên kết quả ghi chép ở hơn 20 người mắc HSAM cho thấy, họ là những người có óc tưởng tượng phong phú, nhạy cảm với âm thanh, mùi và các hình ảnh thị giác hơn người bình thường. Sự hấp thụ đó giúp họ hình thành nên một “nền tảng ký ức” trong não bộ đồng thời khả năng tưởng tượng tốt giúp họ dễ kết nối lại những khoảnh khắc trong quá khứ qua sự việc thường ngày. Và mỗi khi được gợi lại, ký ức lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng bạn đừng vội mừng nghĩ mình cũng trở thành người HSAM khi có trí tưởng tượng phong phú và sự nhạy cảm với môi trường vì các nhà khoa học chứng minh không phải ai cũng làm được đều đó. TS. Patihis cho biết, cần phải có một sự kiện nào đó xảy ra khiến họ bị ám ảnh, không thể ngưng khi nghĩ về quá khứ.
Không thể quên: Sướng hay khổ?
Những người mắc HSAM khi được hỏi đều đồng ý rằng, việc có trí nhớ siêu đẳng có hai mặt. Mặt tốt nó cho phép bạn luôn tận hưởng những trải nghiệm phong phú, những cảm xúc chân thật nhất dù nó đã diễn ra lâu rồi. Như với Veiseh, anh đã đi tới hơn 40 nước và đến nay vẫn còn nhớ từng chi tiết trong mỗi chuyến đi. Thời gian rảnh rỗi, Veiseh thường tới thăm những phòng trưng bày mỹ thuật địa phương và “thử tưởng tượng xem bạn có thể nhớ mọi bức vẽ trên mọi bức tường, ở mọi phòng tranh trên gần 40 nước” và “bản thân nó đã là một bài học cực lớn về nghệ thuật”. Với kiến thức đồ sộ, anh đã trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp với nghệ danh “Enigma of New York”. Ngoài ra, với trí nhớ siêu phàm của mình, anh đã hoàn thành việc nghiên cứu làm tiến sĩ về thiết kế và công nghệ.
Tuy nhiên, không phải ai mắc HSAM cũng được hưởng những lợi ích này, các đối tượng HSAM khi được phỏng vấn cho biết có những giai đoạn khó khăn, những cảm xúc xấu hổ, những kỷ niệm đau buồn luôn luôn hiện hữu, đeo bám dai dẳng làm cho cảm giác đau buồn lúc nào cũng “như mới”. Đây hẳn không phải là điều dễ chịu vì “ai cũng phải hướng tới tương lai, trải nghiệm những điều mới”.