Chỉ vài năm trước, rạn san hô tươi tốt ngoài khơi đảo Bali còn đang chết dần chết mòn, trắng xoá bởi mìn đánh cá và chất độc cyanua. Nhưng nay, chúng đang hồi sinh, nhờ một giải pháp khó tin: dùng điện.
Những thân san hô này bám vào hàng chục khung kim loại bị đánh chìm xuống biển, và được nuôi sống bằng những dây cáp phát đi dòng điện có điện áp thấp. Các nhà bảo tồn cho rằng dòng điện yếu sẽ giúp khôi phục và gia tăng tốc độ lớn của san hô.
Dự án (có tên gọi Bio-Rock, hay Đá Nhân tạo) là phát kiến của nhà khoa học Thomas Goreau và kiến trúc sư Wolf Hilbertz. Hai người đã đặt những cấu trúc tương tự như vậy ở khoảng 20 quốc gia khác, nhưng thí nghiệm tại Bali là hiệu quả nhất.
Goreau cho biết rạn san hô vịnh Pemuteran ở ngoài khơi biển tây bắc Bali đã bị tàn phá nghiêm trọng vào năm 1998, là nạn nhân của những phương pháp đánh bắt huỷ diệt và do nhiệt độ nước biển tăng lên. "Trong điều kiện đó, các phương pháp phục hồi truyền thống đều thất bại. Cách của chúng tôi là phương pháp duy nhất giúp san hô tăng trưởng".
Trong dự án, Goreau và cộng sự đã chế tạo những khung kim loại, thường hình vòm hoặc hình nhà kính, và đánh chìm xuống vịnh. Khi cho một dòng điện có điện áp thấp đi qua, đá vôi (thành phần cơ bản của san hô) sẽ tụ lại trên khung kim loại. Các công nhân sau đó sẽ thu nhặt những mảnh san hô bị gẫy của rạn san hô hư hại cũ và gắn nó vào khung trên.
San hô là nơi trú ẩn của nhiều loài. Do vậy, sự hồi sinh của nó cũng sẽ giúp khôi phục một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trái đất. Tuy nhiên, khó khăn của giải pháp này là chi phí để bảo dưỡng và vận hành hệ thống.
Một nhà báo đang kiểm tra sự tăng trưởng của san hô trên một khung kim loại được các nhà bảo tồn đánh chìm xuống biển vịnh Pemuteran, Bali, Indonesia. (Ảnh: AP) |
T. An