Hôm nay hành tinh có 29 mặt trăng áp sát Trái đất, mắt thường nhìn được

Ngày 15/8, hành tinh khổng lồ sở hữu 29 mặt trăng - trong đó có 2 mặt trăng được NASA cho là có đại dương, oxy và thậm chí sự sống là Enceladus và Dione - đi đến điểm gần Trái đất nhất.

Đó là sao Thổ, hành tinh khí khổng lồ nổi tiếng với những vòng khí bụi, trong đó là 29 mặt trăng đủ hình dạng, kích cỡ. Tờ Space cho biết theo tính toán của các nhà thiên văn, vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 14-8 theo giờ GMT, tương ứng 6 giờ 30 phút sáng ngày 15-8 theo giờ Việt Nam, hành tinh này sẽ đi vào "điểm xung đối" với Mặt trời.

Điều này có nghĩa nó nằm trên cùng một đường thẳng với Trái đất và Mặt trời, cũng là điểm gần Trái đất nhất trên quỹ đạo, nên bạn sẽ có cơ hội quan sát hành tinh này tốt nhất trong năm.


Sao Thổ - (Ảnh: CASSINI/NASA)

Theo góc nhìn từ Việt Nam, điểm tiếp cận gần nhất này lại rơi vào buổi sáng, do đó bạn có thể quan sát hành tinh này với độ lớn kỷ lục vào đêm 14 hoặc 15-8.

Sao Thổ là một trong những hành tinh có thể quan sát dễ dàng bằng mắt thường và được mệnh danh là "viên ngọc quý của Hệ Mặt trời" do vẻ ngoài độc đáo cũng như những bí ẩn mà nó chứa đựng.

Theo NASA, sao Thổ sẽ có thể nhìn thấy trong phần lớn đêm, nhô lên trên đường chân trời phía Đông Nam và dần lên cao trên bầu trời phía Nam. Chòm sao Ma Kết (Capricornus) sẽ như nằm sau lưng hành tinh này.

Người phụ trách chuyên mục theo dõi bầu trời đêm của tờ Space Joe Rao cho biết sao Thổ đang hiện ra với độ sáng cường độ +0,3, sáng hơn một chút so với Procyon, ngôi sao sáng thứ 8 trên bầu trời.


Cách xác định sao Thổ (Saturn) dựa trên vị trí của Mặt trăng vào ngày 14 và 15-8 - (Ảnh: SPACE)

Sao Thổ là một trong những hành tinh được NASA "chăm sóc đặc biệt", nhất là sau khi dữ liệu từ tàu vũ trụ khám phá sao Thổ Cassini liên tiếp thu thập được những bằng chứng thú vị về đại dương ngầm, oxy và cả manh mối về sự sống ngoài Trái đất trên 2 trong số 29 mặt trăng của hành tinh này, đó là Enceladus và Dione.

NASA thậm chí đã có kế hoạch gửi các tàu đổ bộ, robot thăm dò đến Enceladus trong tương lai, với hy vọng tìm ra sự sống bên dưới đại dương ngầm của mặt trăng. Enceladus có lớp vỏ băng giá nhưng các dữ liệu cho thấy bên dưới có thể là một đại dương khổng lồ chứa hệ thống thủy nhiệt tương tự Trái đất.

Trên Trái đất, hệ thống thủy nhiệt không chỉ làm ấm một số vùng nước dưới đáy đại dương mà còn là nơi trú ẩn của nhiều sinh vật, được cho là nơi phát sinh sự sống Trái đất.

Cập nhật: 15/08/2022 NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video