Các nhà khoa học cho biết hơn 1 triệu phụ nữ ở Mỹ đã phải trải qua quá trình điều trị ung thư không cần thiết trong 30 năm qua do những bức phim chụp X-quang phát hiện ra những khối u lành tính.
Kết quả này gây ra nghi ngờ mới đối với tính hiệu quả của công cụ truy tầm ung thư này, công cụ vốn cũng đã gây tranh cãi rồi dù mục đích của nó là nhằm giúp phát hiện các khối u trước khi chúng lan rộng và khó điều trị.
Để có được con số hơn 1 triệu này, các nhà nghiên cứu đã so sánh số ca điều trị ung thư vú được phát hiện sớm và muộn trong số những phụ nữ trong độ tuổi từ 40 trở lên trong khoảng thời gian tư năm 1976 tới năm 2008.
Các phân tích của họ cho thấy kể từ khi việc chiếu chụp trở thành quy chuẩn ở Mỹ, số ca ung thư vú được phát hiện sớm tăng lên gấp đôi; trong những năm gần đây, bác sĩ đã phát hiện thấy khối u ở 234 trong số 100.000 người chụp. Tuy nhiên, trong cùng thời gian này, tỷ lệ phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn cuối chỉ giảm 8%, từ 102 xuống 94 ca trong số 100.000 ca.
Trong nghiên cứu viết trên tờ tạp chí y khoa New England Journal of Medicine, các tác giả Gilbert Welch của Khoa Y Dartmouth và Archie Bleyer của Đại học Y tế và Khoa học Oregon cho hay: “Chúng tôi cho rằng ung thư vú đã được chẩn đoán quá mức, cụ thể là các khối u được phát hiện qua công cụ truy tầm sẽ không bao giờ dẫn tới các triệu chứng nan y đối với 1,3 triệu phụ nữ Mỹ trong 30 năm qua. Trong năm 2008, ung thư vú đã bị chẩn đoán quá mức ở hơn 70.000 phụ nữ, chiếm 31% các ca ung thư vú được chẩn đoán".
Các tác giả trên nhấn mạnh những phụ nữ này nhiều khả năng đã phải trải qua các cuộc can thiệp y khoa lớn, trong đó có phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp điều trị bằng hormone và hóa trị, vốn là những giải pháp chỉ được sử dụng khi tối cần thiết.
Họ kết luận rằng việc giảm đáng kể tỷ lệ các ca tử vong do ung thư vú có thể được giải thích tốt nhất là biến chuyển tích cực trong điều trị chứ không phải là phát hiện sớm qua quá trình chiếu chụp.
Nghiên cứu trên là tiếng nói góp thêm cho công trình đã được công bố trong những năm gần đây, công trình đã gây hoài nghi về việc liệu chụp X-quang có phải là một công cụ ngăn ngừa ung thư hay không.
Một nghiên cứu thực hiện ở Na Uy cho thấy chụp X-quang định kỳ giúp làm giảm nguy cơ tử vong ung thư vú xuống gần 10% song một nghiên cứu khác, so sánh các nước châu Âu áp dụng biện pháp này trong những năm 1990 và sử dụng phổ biến trong những năm 2000, kết luận rằng công cụ truy tầm này không giúp làm giảm số ca tử vong.
Trước đó hồi năm 2009, một nhóm các chuyên gia độc lập do chính phủ Mỹ ủy nhiệm đã xem lại những khuyến cáo về việc khi nào và mức độ phụ nữ nên phải chụp X-quang. Nhóm này cho biết phần lớn phụ nữ nên tiến hành biện pháp này ở tuổi 50 thay vì làm ở tuổi 40. Tuy nhiên, một bài báo khác cũng được đăng tải trên tờ New England Journal of Medicine lại lập luận rằng bất chấp việc chẩn đoán quá mức này, phụ nữ nên bắt đầu đi chiếu chụp ở tuổi 40.
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, ung thư vú vẫn là căn bệnh ung thư phổ biến nhất của phụ nữ và là nguyên nhân khiến phần lớn phụ nữ trên thế giới tử vong. Mỗi năm, 1,4 triệu ca ung thư vú được chẩn đoán trên toàn thế giới.