Hơn 200 triệu người có nguy cơ nhiễm độc từ môi trường

Ngày 4/11, các tổ chức hoạt động môi trường cảnh báo hàng trăm triệu người trên thế giới đang có nguy cơ nhiễm độc do ô nhiễm môi trường.

Theo ước tính của Viện Blacksmith, một cơ quan giám sát môi trường có trụ sở tại Mỹ, hơn 200 triệu người ở các nước đang phát triển có nguy cơ bị tổn hại sức khỏe do ô nhiễm.

Blacksmith phối hợp với Tổ chức Chữ thập Xanh của Thụy Sĩ cũng công bố danh sách mới "10 địa điểm ô nhiễm nhất thế giới" - lần đầu tiên công bố vào năm 2007 - dựa trên hơn 2.000 báo cáo đánh giá về các khu vực ô nhiễm ở 49 nước trên thế giới.

Khu vực Agbogbloshie ở thủ đô Accra của Ghana, địa điểm tái chế rác thải điện tử lớn thứ hai khu vực Tây Phi, lần đầu tiên có mặt trong danh sách. Mỗi năm, Ghana nhập khẩu khoảng 215.000 tấn đồ điện tử tiêu dùng đã qua sử dụng và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.


Ô nhiễm ở các con sông là vấn đề đáng lo ngại. (Ảnh takepart.com)

Mối quan ngại chính về sức khỏe liên quan đến tái chế rác thải điện tử ở Ghana là việc đốt các sợi dây cáp để lấy lõi đồng ở bên trong. Các sợi dây cáp thường chứa rất nhiều kim loại nặng, trong đó có chì. Các mẫu đất quanh khu vực Agbogbloshie đã cho thấy mức độ tập trung các kim loại độc hại cao gấp hơn 45 lần mức cho phép.

Giám đốc Nghiên cứu của Blacksmith Jack Caravanos cho rằng, rác thải điện tử thực sự trở thành một thách thức và tốc độ gia tăng của loại rác thải này đang theo cấp số nhân, khi mà mọi người đều mong muốn sở hữu một chiếc máy tính, một chiếc laptop hay các thiết bị điện tử hiện đại khác.

Một khu vực mới có tên trong danh sách năm nay là lưu vực sông Citarum ở Tây Java của Indonesia, nơi 9 triệu người sinh sống nhưng có tới 2.000 nhà máy. Dòng sông Citarum, vốn được sử dụng để phục vụ các nhu cầu hàng ngày của người dân ở đây cũng như để cung cấp nước tưới cho đồng ruộng, đã bị ô nhiêm bởi nhiều loại chất độc, trong đó có nhôm và mangan. Kiểm tra mẫu nước uống ở đây cho thấy hàm lượng chì vượt quá 1.000 lần mức tiêu chuẩn của Mỹ.

Một khu vực khác của Indonesia là Kalimantan trên đảo Borneo cũng nằm trong danh sách những địa điểm ô nhiễm nhất thế giới do việc mở rộng các mỏ khai thác vàng thủ công quy mô nhỏ. Hầu hết công nhân ở đây đều sử dụng thủy ngân trong quá trình chiết xuất vàng, góp phần gia tăng một loại chất thải nguy hiểm vào môi trường.

Trong danh sách năm nay còn có khu vực Hazaribagh ở Bangladesh, nơi tập trung hầu hết các xưởng thuộc da có đăng ký hoạt động ở nước này. Mỗi ngày, công nhân ở đây bơm khoảng 22.000 lít chất thải độc hại, bao gồm cả chrom hóa trị 6 có thể gây ung thư ra sông Buriganga, dòng sông chính và nguồn cung cấp nước thiết yếu của thủ đô Dhaka.

Những địa điểm ô nhiễm nghiêm trọng còn có đồng bằng sông Niger ở Nigeria và lưu vực sông Matanza-Riachuelo ở Argentina. Trong khi đó, khu vực nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraine và thành phố khai thác chì Kabwe ở Zambia lần thứ hai liên tiếp có mặt trong top 10 khu vực ô nhiễm nhất thế giới.

Trong bản báo cáo 6 năm trước, Trung Quốc và Ấn Độ là hai cái tên xuất hiện nhiều nhất. Tuy nhiên, năm nay, cả hai nước này đều không có địa điểm ô nhiễm trong danh sách kể trên. Điều đó cho thấy những tiến bộ lớn trong việc cải thiện chất lượng môi trường ở hai quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Theo TTXVN/Báo Tin tức
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video