Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra cảm giác nóng rát ở lưng trên ngoài lý do chấn thương.
Những điều cần biết về chứng nóng rát ở lưng trên
Một số tình trạng đau vùng lưng có thể gây ra cảm giác nóng rát ở lưng trên. Tùy thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng và các yếu tố liên quan mà phương pháp điều trị cũng sẽ có sự khác biệt.
Lưu ý, có những bệnh gây nóng rát ở lưng trên cần chăm sóc y tế khẩn cấp nên bạn tuyệt đối không được chủ quan.
1. Cảm giác nóng rát ở lưng trên là bệnh gì?
Khác với tình trạng đau âm ỉ, đau nhói hay đau cắt thì đau nóng rát là một dạng đau khác biệt và dễ dàng nhận thấy rõ ràng. Cơn đau này cũng có thể gặp ở những bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân và lưng trên.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ngực
Tình trạng này có thể gặp ở người bị chấn thương do nâng, vặn người, vặn cổ khiến đĩa đệm bị trượt lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Trong đó thoát vị đĩa đệm ngực có thể khiến bạn bị đau nhói hoặc nóng rát ở lưng trên.
Cháy nắng
Tiếp xúc quá nhiều với tia UV từ ánh nắng mặt trời có thể gây ra cháy nắng với những vết bỏng khiến bạn cảm thấy nóng và đau rát. Trong đó, phần lưng trên ít khi được bảo vệ sẽ dễ dàng bị cháy nắng nhất nếu tiếp xúc với tia UV quá mức. Các triệu chứng cháy nắng thường bắt đầu sau khoảng 4 tiếng kể từ khi phơi/tiếp xúc với nắng.
Cơn đau do cháy nắng có thể trở nặng sau 6 - 48 giờ kể từ khi tiếp xúc mà không được can thiệp đúng cách.
Đau lưng trên là cơn đau thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra. (Ảnh: Internet).
Khối u cột sống
Khối u xuất hiện ở cột sống có thể gây ra tình trạng đau rễ thần kinh với cảm giác đau sắc nét, nóng rát ở các khu vực như lưng, sau đó lan ra bàn tay, cánh tay và chân. Cơn đau sẽ có sự thay đổi về cường độ khi người bệnh di chuyển.
Ợ nóng
Chứng ợ nóng xảy ra thường xuyên đôi khi cũng khiến bạn cảm thấy bị đau rát ở lưng trên (trường hợp nặng), trong ngực hoặc cổ họng do axit dạ dày chảy ngược vào thực quản.
Đau cơ xơ hoá
Đau cơ xơ hóa không chỉ gây đau rát ở lưng trên mà còn có thể xảy ra ở bất kì vị trí nào của cơ thể kèm theo mệt mỏi, đau khớp, đau cơ bắp, đau gân và đau dây chằng. Cơn đau do đau cơ xơ hóa có thể bắt đầu ở vùng cổ, vai và quanh lưng trên.
Theo thời gian thì các triệu chứng ở các bộ phận khác sẽ xuất hiện với nhiều mức độ khác nhau, trong đó có đau nóng rát như bị bỏng.
Bệnh nhiễm trùng da
Một số bệnh nhiễm trùng da thông thường như viêm mô tế bào có thể khiến một số vùng cơ thể bị nhạy cảm hơn và nóng hơn. Bệnh do vi khuẩn gây ra và mặc dù thường gặp ở bàn chân và cẳng chân nhưng viêm mô tế bào có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác chẳng hạn như lưng trên.
Tuỳ từng trường hợp mà đau lưng trên gây nóng rát và châm chích được điều trị theo cách khác nhau. (Ảnh: Internet)
Căng cơ
Chấn thương vùng lưng hoặc do sử dụng cơ lưng quá mức cũng có thể gây cảm giác nóng rát hoặc châm chích ở lưng trên, giữa hai bả vai hoặc bên phải/bên trái của cột sống.
Đôi khi tình trạng căng cơ có thể lan đến ngực và triệu chứng nghiêm trọng hơn khi lặp đi lặp lại nhiều lần.
Cột sống bị lệch
Lệch cột sống cũng là một lý do khiến lưng trên có cảm giác nóng rát và nhức nhối. Có nhiều nguyên nhân khiến cột sống của một người bị lệch như tư thế không đúng, ngủ sai tư thế, chấn thương do tai nạn, các thói quen lặp đi lặp lại,..
Cơn đau do lệch cột sống nằm ở giữa bả vai hoặc cổ.
Tình trạng thấp khớp
Các tình trạng thấp khớp như viêm khớp, viêm xương khớp, bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp,... ảnh hưởng tới khớp, gân, cơ bắp, xương khắp cơ thể - bao gồm cả lưng trên. Tùy từng tình trạng viêm mà người bệnh sẽ có cảm giác đau nhói, nóng rát ở bên trái hoặc bên phải của lưng trên hoặc giữa hai bả vai của bạn.
Gai xương
Gai xương hình thành trên cột sống có thể chèn ép dây thần kinh và gây ra cảm giác đau rát, liệt hoặc yếu vùng lưng trên, đau cổ và đau cột sống ngực.
Thăm khám bác sĩ sớm nếu cơn đau lưng trên gây cản trở sinh hoạt hàng ngày. (Ảnh: Internet).
Hẹp cột sống
Hẹp cột sống hay hẹp đốt sống là tình trạng không gian bên trong ống sống bị thu hẹp, gây áp lực lên các rễ thần kinh, tủy sống đi qua cột sống. Từ đó gây đau lưng trên, đau cổ và có thể lan lên ngực.
2. Phương pháp điều trị nóng rát ở lưng trên
Việc điều trị chứng đau nóng rát ở lưng trên tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là gì. Các bác sĩ có thể điều trị một số nguyên nhân gây đau lưng trên như vậy bằng thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ, tác động tới hệ thống thần kinh xử lý cơn đau, thuốc giảm đau kê đơn, vật lý trị liệu,
Nếu cơn đau gây nóng rát ở lưng trên là do nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh để điều trị.
Nếu các biện pháp điều trị kể trên không thể giảm đau và khiến tình trạng bệnh thuyên giảm, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nếu bạn bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ ngực,...loại bỏ một phần đĩa đệm gây áp lực lên rễ thần kinh hoặc cột sống.
Vận động nhẹ nhàng có thể giúp giảm đau lưng. (Ảnh: Internet).
3. Điều trị giảm đau lưng trên tại nhà
Các biện pháp điều trị giảm đau lưng trên tại nhà có thể tham khảo:
Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Đối với cơn đau cấp tính do chấn thương hoặc căng cơ thì liệu pháp chườm lạnh có thể giúp giảm viêm đau. Bạn có thể chườm khăn lên lưng và cổ tối đa 20 phút mỗi lần. Nếu cơn đau là mãn tính thì chườm ấm có vẻ đem lại hiệu quả tốt hơn nhờ khả năng làm dịu và thư giãn cơ bắp cũng như tăng cường lưu thông máu. Thời gian chườm nóng cũng không quá 15 - 20 phút mỗi lần.
Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ làm tăng mức độ căng thẳng và khiến cơn đau lưng trên thêm tồi tệ hơn. Cố gắng ngủ đủ giấc từ 7 - 9 tiếng mỗi đêm trong môi trường ngủ thoải mái và yên tĩnh.
Tập thể dục
Một số hoạt động tăng cường thể chất nhẹ nhàng có thể cải thiện quá trình lưu thông máu, tăng cường sức mạnh cho cơ lưng trên nói riêng và toàn cơ lưng nói chung cũng như giảm viêm trong trường hợp cơn đau từ nhẹ tới trung bình. Lưu ý nếu bạn bị đau khi tập hoặc khó thở, hãy dừng lại ngay và liên hệ với bác sĩ.
4. Khi nào đau lưng trên cần khám bác sĩ?
Một số cơn đau lưng trên có thể tự khỏi sau khi điều trị tại nhà và bằng các thuốc không kê đơn trong vài ngày tới vài tuần.
Nhưng nếu cơn đau nóng rát ở lưng trên không có dấu hiệu cải thiện hoặc nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang hoặc chụp MRI để xác định nguyên nhân chính gây ra cơn đau là gì, từ đó lên phác đồ điều trị phù hợp.