Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây về trẻ nhỏ được đăng tải trên tạp chí Child Development hôm 11/05, đời sống hôn nhân trục trặc không chỉ ảnh hưởng đến bố mẹ mà còn gây ra một số vấn đề liên quan đến giấc ngủ ở trẻ.
Anne Mannering, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oregon State, cho biết, những cặp cha mẹ nào có dấu hiệu hôn nhân bất ổn ( như ly thân chẳng hạn) khi đứa trẻ được 9 tuổi, thì đến khi được 18 tháng tuổi, những đứa trẻ này sẽ gặp phải một số vấn đề về giấc ngủ (khó ngủ, ngủ chập chờn…).
“Mối quan hệ của cha mẹ ảnh hưởng đến quan hệ cha-con, mẹ-con và ngược lại. Ở một số nghiên cứu khác, người ta cho rằng, stress chính là yếu tố tác động không tốt đến giấc ngủ, hơn nữa, chúng ta biết rằng giai đoạn còn trứng nước chính là thời điểm quan trọng giúp trẻ tạo lập mô hình giấc ngủ”.
Với nghiên cứu này, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ, nguyên nhân tại sao lại dẫn đến mối liên quan này. Tuy nhiên, theo bà Mannering, có 2 giả thuyết được đưa ra: Thứ nhất, hôn nhân trục trặc dẫn đến stress, từ đó ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến giấc ngủ của trẻ nhỏ. Thứ hai, cuộc sống hôn nhân không tốt đẹp khiến cha mẹ lơ là trong việc chăm sóc con cái và trở nên thiếu trách nhiệm hơn.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Mannering cũng nhấn mạnh rằng, kết quả của nghiên cứu này chỉ đúng với những cặp vợ chồng đang đứng trên bờ vực ly hôn, có ý định ly hôn chứ không xét đến những xung đột gia đình.
Nghiên cứu được tiến hành với 350 hộ gia đình, từ lúc trẻ được 9 tháng tuổi cho đến 18 tháng tuổi. Tất cả những đứa trẻ khi mới tham gia nghiên cứu đều được kiểm tra cẩn thận, đảm bảo không có bất cứ vấn đề nào về giấc ngủ liên quan đến gene.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng các kết quả vẫn đúng ngay cả khi họ tính đến các yếu tố khác như tính khí khó khăn ở em bé, sự lo lắng của cha mẹ và thứ tự sinh của trẻ. Trong tương lai, các nhà khoa học hy vọng sẽ tiến hành thêm nghiên cứu khác để xác định xem những rắc rối liên quan đến giấc ngủ này có còn tồn tại khi trẻ vượt mốc 2 tuổi hay không.