Mới đây, tại Hà Nội, các cơ quan chức năng đã phải họp bàn giải cứu số cá sấu xiêm hoang dã đang sống ở Sông Hinh, Phú Yên do sự đe dọa của một con đập.
Dấu chân cá sấu Xiêm được tìm thấy tại nơi khảo sát ở huyện sông Hinh, Phú Yên. |
Sở dĩ có cuộc họp trên là do khu vực nơi những con cá sấu Xiêm hoang dã này sinh sống đang bị đe dọa bởi con đập sông Ba sắp đưa vào hoạt động.
Đây là những con cá sấu Xiêm hoang dã (sinh sống trong tự nhiên) được phát hiện lần đầu tiên tại VN. Trước đó, người ta tin là cá sấu đã không còn tồn tại trong tự nhiên ở VN.
Chính những người dân làng và ngư dân vùng huyện Sông Hinh đã phát hiện ra số cá sấu Xiêm này vào tháng 12/2004.
Đến tháng 6/2005, Chương trình Bảo tồn Đa dạng sinh học và Sử dụng bền vững Đất ngập nước (MWBP), Viện Sinh học Nhiệt đới (ITB), Tổ chức bảo tồn Động Thực vật Quốc tế (FFI) – Campuchia cùng các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp thực hiện một cuộc khảo sát, điều tra về thông tin này và khẳng định sự tồn tại của loài cá sấu nước ngọt hoang dã tại khu vực này là có thật.
Sau đó, Viện Sinh học Nhiệt đới xác nhận, đã tìm thấy dấu vết còn mới của một cá thể cá sấu nước ngọt hoang dã nặng khoảng 100 kg trên bờ dốc một cái đầm. Những quan sát tiếp theo đã đưa đến kết luận, chắc chắn có một quần thể nhỏ cá sấu Xiêm sống trong khu vực được khảo sát.
Cá sấu Xiêm tưởng đã tuyệt chủng trong tự nhiên ở VN nhưng gần đây, đã được phát hiện là còn sống ở sông HInh, Phú Yên. Trong ảnh: Một con cá sấu Xiêm đang được nuôi dưỡng tại TP.HCM. |
Cá sấu Xiêm đã được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) xếp vào mức độ Cực kỳ Nguy cấp.
Điều khiến các nhà khoa học quan tâm hiện nay là, vùng cư trú của những con cá sấu này tới đây sẽ trở thành hồ chứa nước trong hệ thống đập thuỷ điện sông Ba Hạ.
Con đập đã sắp hoàn thành và khi nó được đưa vào vận hành, vùng sinh sống hiện nay của cá sấu sẽ bị ngập dẫn đến mất nơi cư trú và làm tổ của cá sấu hoang dã.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của các nhà khoa học, Bản báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường trước đây của công trình đập thuỷ điện Ba Hạ đã không đề cập đến sự tồn tại của loài động vật quí hiếm này.
Hương Cát