Hợp chất ngăn cá mút máu xâm chiếm Ngũ Đại Hồ

Cá mút đá, loài xâm hại chuyên hút máu trở thành cơn ác mộng của ngư dân khắp vùng Ngũ Đại Hồ cho tới khi các nhà khoa học phát hiện một hợp chất hữu hiệu để tiêu diệt chúng.

Các nhà chức trách tuyên bố chiến thắng hiếm hoi đối với loài cá xâm hại chuyên hút máu gần như làm sụp đổ ngành công nghiệp đánh bắt cá trị giá 7 tỷ USD ở vùng Ngũ Đại Hồ. Cách đây hơn một thế kỷ, thông qua hoạt động của con người, cá mút đá, động vật bản xứ ở Đại Tây Dương, tiến vào Ngũ Đại Hồ. Tại đó, chúng bắt đầu ăn ngấu nghiến cá ở địa phương, từ cá hồi đến cá hồi hồ và cá walleye, theo National Geographic.


Cá mút đá đe dọa toàn bộ ngành ngư nghiệp ở Ngũ Đại Hồ. (Ảnh: Cơ quan cá và ngư nghiệp Washington)

"Về cơ bản, chúng chỉ cần bơi vào. Chúng ta đã mở cửa cho chúng khi xây dựng kênh đào", Greg McClinchey, giám đốc chính sách và pháp lý của Ủy ban ngư nghiệp Ngũ Đại Hồ (GLFC), tổ chức quốc tế tập trung vào kiểm soát cá mút đá, cho biết. "Chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ những gì loài này có thể làm được".

Một con cá mút đá có thể giết chết tới hơn 18kg cá ở giai đoạn ấu trùng của vòng đời. Mỗi con cá mút đá cái sẽ đẻ khoảng 100.000 quả trứng, khoảng 75% trong số đó có thể sống sót. Theo McClinchey, ở thời kỳ đỉnh điểm, chúng tiêu thụ hơn 45 triệu kg cá, vượt xa con người. Chúng cũng phá hủy hệ sinh thái tự nhiên nhiều hơn con người. Không chỉ cá ở vùng Ngũ Đại Hồ chưa chuẩn bị sẵn sàng để tự vệ trước cá mút đá, khu vực này cũng thiếu động vật ăn thịt tự nhiên giúp kiểm soát loài xâm hại.

Một chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ giúp kiểm soát cá mút đá xâm hại, chiến thắng chưa từng có trên thế giới. Bí quyết thành công là một loại hóa chất mới có tên lampricide giúp giết chết khoảng 90 - 95% cá mút đá ở vùng Đại Ngũ Hồ, nhưng không gây hại cho các loài đặc hữu. Chiến dịch đã cứu ngành ngư nghiệp của vùng Đại Ngũ Hồ, theo Marc Gaden, thư ký điều hành Ủy ban ngư nghiệp Ngũ Đại Hồ.

Cơ chế cá mút đá săn mồi rất đơn giản. Không có hàm răng như thông thường, chúng sử dụng những vũ khí sắc nhọn gọi là đĩa răng. Cá mút đá dùng đĩa răng để bám vào thân bất kỳ loài cá nào, sau đó đục lỗ ở khoang bụng con mồi nhằm tạo ra vết thương hở. Nước bọt của chúng ngăn vết thương lành, cho phép hút máu liên tục. Kết quả là vật chủ sẽ cảm thấy rất khó chịu. Khi cá mút đá bắt đầu quá trình xâm chiếm vào giữa thế kỷ 20, ngư dân phàn nàn khi kéo lưới, họ bắt gặp nhiều cá chết đến mức cầm chắc lưới. Cá mút đá tiêu thụ cá nhanh gấp 5 lần tốc độ đánh bắt thương mại.

Năm 1954, một thỏa thuận giữa hai nước, 8 bang, một tỉnh và vài bộ lạc dẫn tới sự ra đời của GFLC. Khi chính quyền địa phương tìm cách kiểm soát cá mút đá như dùng đập ngăn, giật điện và thậm chí dùng rây lọc khổng lồ, nhưng không hiệu quả. Họ cần tìm kiếm giải pháp có thể tiêu diệt ấu trùng ở lòng suối trước khi chúng biến đổi thành cá sắp trưởng thành, bơi vào hồ và tiêu diệt cá bản xứ. Đó là nguồn gốc của chương trình lampricide.

Năm 1950, các nhà khoa học ở Đại học Michigan bắt đầu làm việc với nhà chức trách ở Trạm sinh vật học vịnh Hammond ở bờ hồ Huron. Họ xem xét một hóa chất giúp tiêu diệt cá xâm hại nhưng không ảnh hưởng tới loài bản xứ. Sau 7 năm thử nghiệm, so sánh tử lệ tử vong của cá bản xứ và cá mút đá tiêm cùng hợp chất, các nhà nghiên cứu phát hiện 3-trifluoromethyl-4-nitrophenol, hay TFM, hợp chất mà loài cá xâm hại không tiến hóa để chuyển hóa.

TFM nhanh chóng trở thành xương sống trong chương trình kiểm soát của GLFC. Nhiều đội được cử rải TFM ở những suối nông nơi ấu trùng cá mút đá tập trung trước khi chuyển tới vùng nước sâu hơn khi trưởng thành để săn mồi. Vùng nước sâu vẫn là nơi trú ẩn của cá mút đá cho tới khi sử dụng niclosamide vào thập niên 1990, một chất độc chìm xuống đáy và nhắm vào mục tiêu ở đáy sông. Chương trình hiện nay vẫn duy trì cùng một chiến thuật, kết hợp sử dụng đập ngăn để hạn chế cá mút đá lan rộng.

Sau thời gian dài bị gián đoạn bởi Covid-19, công tác xử lý quay lại bình thường vào năm 2022. Số lượng cá mút đá bắt đầu giảm dần. Hiện nay, GLFC tiêu diệt khoảng 8,5 triệu con cá mút đá mỗi năm. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu biện pháp thay thế bao gồm sử dụng biến đổi gene và CRISPR.

Cập nhật: 20/11/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video