Do tốc độ quay quanh trục quá nhanh, vật chất trên bề mặt của tiểu hành tinh Gault 6478 dần bị hất văng ra ngoài không gian.
Hai đuôi khí bụi của tiểu hành tinh Gault 6478. (Ảnh: NASA).
Kính viễn vọng không gian Hubble đã chụp được khoảnh khắc cực hiếm của một tiểu hành tinh tự phân rã trong hệ Mặt Trời, các nhà thiên văn học quốc tế dẫn đầu bởi Jan Kleyna từ Đại học Hawaii mới đây công bố. Thiên thể mang tên Gault 6478 nằm trong vành đai tiểu hành tinh ở giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc, cách Mặt Trời khoảng 344 triệu km.
Gault 6478 được biết đến từ năm 1988 nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát thấy quá trình phân rã của nó. Ảnh chụp từ kính viễn vọng thấy trong quá trình di chuyển, tiểu hành tinh rộng 4 km này để lại hai đuôi khí bụi khổng lồ ở phía sau giống như sao chổi. Một đuôi có chiều dài lên tới 800.000km, trong khi đuôi ngắn hơn dài khoảng 200.000km.
Nhóm nghiên cứu tin rằng các đuôi khí bụi này được tạo ra do tốc độ quay quanh trục cực nhanh của tiểu hành tinh. Gault 6478 hoàn thành một vòng quay chỉ trong 2 giờ, nhanh đến mức khiến vật chất trên bề mặt, vốn có cấu trúc lỏng lẻo, bị hất văng ra ngoài không gian.
Theo Olivier Hainaut, đồng tác giả nghiên cứu từ Đài thiên văn Nam châu Âu, sự phân rã của các thiên thể như Gault 6478 là sự kiện cực hiếm trong vành đai tiểu hành tinh thuộc hệ Mặt Trời, khi chỉ xuất hiện một lần mỗi năm. Với sự hỗ trợ của các đài quan sát mới có khả năng quét toàn bộ bầu trời ATLAS, giới thiên văn học tin rằng những sự kiện tương tự sẽ được quan sát nhiều hơn trong tương lai.