Trước mức độ nguy hiểm của bão, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã đưa ra một số khuyến cáo an toàn.
Trước khi bão xảy ra
Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão. Gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định ví trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng.
Dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày. Nếu không có lệnh sơ tán của chính quyền, hãy tìm nơi trú ẩn trong nhà cho gia đình mình (nơi an toàn nhất khi có bão là phòng bên trong không có cửa sổ).
Chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bão về như: Chèn chống các cửa của nhà; loại bỏ những cây, cành bị chết, bị bệnh; xác định các vật dụng trong sân nên mang vào trong nhà; vệ sinh máng nước mưa, gầm cầu thang ngoài, giếng cửa sổ, đường thoát nước, đường ống thoát nước.
Các khu vực hay chịu ảnh hưởng của bão cần trang bị những kỹ năng ứng phó. Người dân có thể bảo vệ nhà cửa chống bão bằng một số biện pháp chằng chống tương đối đơn giản theo video clip ở dưới.
Người dân có thể bảo vệ nhà cửa chống bão bằng một số biện pháp sau:
Dùng các bao cát đóng lỏng có trọng lượng từ 15 - 20kg chặn trên mái nhà.
- Giảm thiểu tốc mái bằng bao cát: Đối với nhà có độ dốc mái lớn, dùng các bao cát đóng lỏng có trọng lượng từ 15 - 20kg, nối với nhau bằng dây và đặt vắt qua mái nhà sao cho các bao cát nằm sát trên đầu tấm lợp hoặc mép tiếp giáp của các tấm lợp. Khoảng cách giữa các bao cát là 1,5m ở vùng giữa mái và 1m ở phần mép mái. Đối với nhà có độc dốc mái nhỏ, làm tương tự như trên nhưng không cần dùng dây nối các bao cát với nhau.
- Giảm thiểu tốc mái tôn, fibroximang bằng thanh nẹp: Đặt lên mái các thanh nẹp cách nhau khoảng từ 1,5 - 2m tại mép chồng lên hai tấm lợp. Đục lỗ tại các đỉnh mút tấm lợp, dùng thép đường kính 2mm buộc thanh nẹp vào xà gồ, đòn tay. Dùng vữa xi măng hoặc keo chống dột để bít lỗ đục tấm lợp.
- Giảm thiểu tốc mái, đổ mái bằng giằng chữ A kết hợp dây neo xuống đất: Với mái nhà tôn, fibroximang, đặt các thanh chặn ngang bằng cây, gỗ, thép lên mái cách nhau khoảng 1m. Đặt tiếp các giằng chữ A, đỉnh chữ A nằm tại nơi tiếp giáp giữa hai mái nhà, cách nhau khoảng 2,5m lên thanh chặn. Cột chặt thanh chặn và thanh giằng bằng dây thép hoặc các loại dây khác, sau đó dùng dây thép hoặc dây thừng, chão neo giằng chữ A vào các cọc cây đóng sâu xuống đất từ 1 - 1,5m.
- Bịt kín cửa và các khe hở chống gió lùa vào nhà: Cài chặt chốt cửa ra vào, cửa sổ neo cửa bằng đòn cây vào từng nhà để phòng gió lùa làm bung cửa. Dán cửa kính bằng băng keo bản rộng để giảm thiểu vỡ kính. Bịt các khe hở giữa đỉnh tường và mái, những lỗ thông gió trên tường, đầu hồi và trên cửa.
- Chặt hoặc tỉa cành: Tất cả các cây, cành to gần nhà phải chặt hoặc tỉa cành để tránh cây, cành có thể đổ ngã khi có gió mạnh. Chú ý: Hệ thống điện và phương tiện điện tử, cắt cầu giao tổng của hệ thống điện, hạ cột anten tivi, chặt cây cối va quệt vào đường dây điện trần.
Các thành viên trong gia đình có thể bị chia cắt trong một cơn bão. Hãy chuẩn bị bằng cách lập một Kế hoạch liên lạc, tiếp cận với nhau. Thiết lập một liên hệ bên ngoài khu vực (chẳng hạn như người thân hoặc bạn bè trong gia đình), người có thể điều phối vị trí và thông tin của các thành viên gia đình nếu bạn tách ra.
Chuẩn bị một bộ đồ dùng cho gia đình (đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng). Các gia đình có trẻ em nên để mỗi trẻ tự tạo gói đồ dùng cá nhân của mình.
Trong khi xảy ra bão
Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật… Không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ. Nên ở trong nhà, nơi trú ẩn, không đi ra ngoài, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.
Chuẩn bị sẵn đèn pin đề phòng mất điện, không sử dụng nến để thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Đề phòng lốc xoáy do bão gây ra; nên ở bên trong và ở trung tâm ngôi nhà hoặc tầng hầm.
Nếu bạn được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình bạn và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp. Thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu nạn, cứu hộ.
Sau khi xảy ra bão
Tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết. Chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.
Không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước, tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn), vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.
Bí kíp để chủ động ứng phó với cơn bão lớn
Những cơn bão lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử