Ai cũng biết rằng thuốc lá là có hại cho sức khỏe nhưng theo một nghiên cứu vừa công bố thì việc hút shisha thậm chí còn độc hại hơn thuốc lá nhiều lần. Theo đó, những người hút shisha có thể hấp thụ hàm lượng hóa chất độc hại cao hơn so với hút thuốc lá điếu truyền thống. Nghiên cứu lần này góp phần dấy lên mối lo ngại về thói quen hút shisha vốn đang phổ biến mà nhiều người vẫn cho rằng điều đó là vô hại.
Theo truyền thống, Shisha, Hookah, thuốc lào Ả Rập,... được sử dụng tại các nước Trung Đông và một số vùng thuộc châu Á, tuy nhiên hiện nay thì nó còn được phổ biến tới nhiều nước khác, bao gồm cả Mỹ, châu Âu và cả Việt Nam. Theo một thống kê tiến hành bởi các nhà khoa học tại Đại học Y Pittsburgh thì có khoảng 1/3 sinh viên tại Mỹ đã sử dụng Hookah và nhiều đối tượng trong số này cũng thường xuyên hút thuốc lá. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này đã phủ nhận ý kiến những người hút shisha sẽ không nghiện thuốc lá.
Những người hút shisha sẽ hút phải chất độc nhiều hơn so với những gì họ tưởng.
Mặt khác, theo một nghiên cứu cũng do Đại học Pittsburgh tiến hành và công bố mớ đây thì việc hút shisha còn có nguy cơ trực tiếp cao hơn cả thuốc lá truyền thống. Bằng cách phân tích dữ liệu thuộc hơn 500 nghiên cứu trước đây về chất độc do con người tạo ra, bao gồm cả việc hút shisha và thuốc lá, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mỗi lần hút shisha, người hút sẽ hít vào khoảng 74 lít khói, nghĩa là gấp 125 lần so với khi hút một điếu thuốc lá.
Khi đó, người hút shisha sẽ tự tiếp xúc trực tiếp với lượng nhựa (tar) lớn gấp 25 lần so với khi hút thuốc lá và nếu shisha có nicotine thì nồng độ hấp thụ cũng cao hơn thuốc lá 2,5 lần, đồng thời lượng CO cũng cao hơn gấp 10 lần. Mặt khác, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nhựa từ thuốc lá điếu có liên quan tới ung thư phổi và các nhà nghiên cứu cho rằng điều đó cũng đúng đối với khi hút shisha.
Mặc dù nghiên cứu lần này đã dấy lên mối quan tâm mạnh mẽ về ảnh hưởng của việc hút shisha đối với sức khỏe con người, nhưng nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận rằng cần tiến hành thêm nghiên cứu trong thời gian tới bởi hiện tại, họ vẫn chưa xác định được chính xác việc hút shisha sẽ gây tổn hại tới con người như thế nào. Mặt khác do việc hút thuốc của mỗi người là khác nhau, thói quen hút shisha cũng có sự khác biệt nên lượng chất độc chính xác mà mỗi người hút vào cũng có sự khác nhau.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu khẳng định rằng kết quả ước tính lần này đã cho thấy những người hút shisha sẽ hút phải chất độc nhiều hơn so với những gì họ tưởng. Cuối cùng, họ cho rằng cộng đồng cần có mối quan tâm đúng mức hơn đối với loại hình hút shisha nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của nó đối với con người, đặc biệt là đối với các đối tượng thanh thiếu niên và người trẻ tuổi vốn thường cho rằng đó chỉ là một "trò chơi vô hại".