Indonesia và Ấn Độ là hai quốc gia đánh bắt cá mập lớn nhất thế giới, theo báo cáo từ một cuộc điều tra của một tổ chức kiểm soát nạn buôn bán động vật hoang dã cho biết.
Số lượng cá mập bị đánh bắt ở Indonesia và Ấn Độ chiếm đến 1/5 tổng số bị đánh bắt của toàn thế giới, AFP ngày 30/7 dẫn báo cáo của TRAFFIC, tổ chức quốc tế chuyên theo dõi các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã có trụ sở đặt tại Anh, cho hay.
Xác những con cá mập đã bị cắt mất vây được chuyển lên bờ từ một tàu đánh cá ở cảng Benoa thuộc đảo Bali (Indonesia) - (Ảnh: AFP)
Hai quốc gia này đứng đầu danh sách 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng cá mập đánh bắt được chiếm đến gần 80% tổng số cá mập đánh bắt được trên toàn thế giới từ năm 2002 đến năm 2011.
Xếp theo sau Indonesia và Ấn Độ lần lượt là Tây Ban Nha, Đài Loan, Argentina, Mexico, Mỹ, Malaysia, Pakistan, Brazil, Nhật Bản, Pháp, New Zealand, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Nigeria, Iran, Sri Lanka, Hàn Quốc và Yemen.
Được biết, Hội đồng châu Âu đã yêu cầu TRAFFIC lập ra báo cáo này sau khi 7 loài cá mập và cá đuối được liệt kê vào Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) hồi tháng 3.
Số lượng cá mập trên thế giới đã sụt giảm vì nạn săn bắt tràn lan, vốn xuất phát từ nhu cầu ăn vây (vi) cá mập từ Trung Quốc, theo AFP.
Sự tuyệt chủng của loại cá ăn thịt cấp cao này sẽ gây ra một tác hại rất lớn đến chuỗi đa dạng sinh học.
Một số nhà khoa học tin rằng một trong những hậu quả của việc giảm sút số cá mập là sự bùng nổ số lượng sứa trong đại dương.