"Internet Liên Xô", dự án vĩ đại không bao giờ thành sự thật

Từ lâu trước khi World Wide Web được phát hành, những nhà khoa học Liên Xô đã nghĩ đến một mạng lưới kết nối toàn bộ quốc gia để thúc đẩy kinh tế.

Lớn lên tại Liên Xô những năm 1980, Oleg Guimaoutdinov hiểu rõ việc sử dụng máy tính khó khăn như thế nào. Dù rất đam mê học lập trình, anh và vài người bạn phải rất vất vả mới tìm được một cơ sở mà người quản lý cho phép những đứa trẻ đụng vào máy tính. Khi đó máy tính hầu như đều được đặt ở các viện nghiên cứu hoặc đại học, và những người quản lý thì không thích trẻ con lảng vảng xung quanh.

Những trải nghiệm từ nhỏ đó cho Guimaoutdinov kiến thức để hiểu rõ máy tính làm được những gì. Dù vậy, điều đó cũng không khiến anh bớt ngạc nhiên vào cuối những năm 80, khi đang là sinh viên tại Novosibirsk, anh nhận thấy máy tính của mình có thể kết nối trực tiếp với mạng ở Moscow cách đó hơn 3.000km.


Máy tính là vật hiếm những năm 1980, nhưng Liên Xô đã tính đến việc kết nối hàng chục nghìn máy tính trên khắp cả nước từ cách đó 10 năm. 

Cuối những năm 80, Nga đã có một số mạng nội bộ, kết nối trong vùng. Tuy nhiên những mạng lưới có thể kết nối đến những thành phố cách xa hàng nghìn km thì lại rất hiếm gặp.

"Đó chính là Internet 1.0. Đó là mạng thời gian thực, phi tập trung, phân cấp với mục đích quản lý tất cả những thông tin của nền kinh tế kiểm soát", Benjamin Peters, tác giả cuốn sách về nỗ lực kết nối mạng quốc gia của Liên Xô cho biết.

Xây dựng mạng lưới để đổi mới kinh tế

Mạng lưới "Internet Liên Xô" là nỗ lực của nhà toán học Viktor Glushkov, người được coi như cha đẻ ngành khoa học thông tin tại Liên Xô. Chính Glushkov cũng được truyền cảm hứng từ Anatoly Kitov, người từng đưa ra ý tưởng kết nối toàn bộ Liên bang Xô viết vào năm 1959.


Viktor Gluskov, một trong những người thiết lập nền móng cho ngành máy tính Liên Xô.

Kitov từng gửi thư đề xuất lên Tổng Bí thư Liên Xô bấy giờ là Nikita Krushchev, tuy nhiên dự án của ông không được triển khai. Khi đó Liên Xô đã có mạng lưới kết nối nhiều máy tính với nhau, nhưng đó là mạng lưới sử dụng cho quân đội.

Victor Glushkov muốn xây dựng mạng lưới kết nối những máy tính của Liên Xô trước tiên vì lý do kinh tế. Nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô vào thời điểm đó đang tỏ ra thiếu hiệu quả bởi những hàng hóa sản xuất ra hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ đạo chứ không phải nhu cầu của người dùng, do vậy hiệu quả rất thấp.

Glushkov cho rằng bằng cách kết nối tất cả máy tính và mạng điện thoại với nhau, các dữ liệu về tồn kho, nhân lực, ngân sách hay chỉ tiêu có thể được chia sẻ với nhau. Từ đó, Ủy ban Kế hoạch nhà nước Liên Xô có thể theo dõi và điều chỉnh mục tiêu theo thời gian thực. Thậm chí nhà máy ở các vùng cũng có thể kết nối với nhau để tự điều chỉnh mục tiêu.

Dự án của Victor Glushkov, có tên OGAS, bắt đầu được xây dựng từ những năm 1960. Về lý thuyết, dự án này sẽ thu thập dữ liệu của mọi thành phần kinh tế Liên Xô, quy mô dữ liệu là khổng lồ. Máy tính từ Moscow sẽ phải kết nối với khoảng 200 máy tính ở tầng giữa, từ đó truy cập vào dữ liệu của khoảng 20.000 máy tính tại các cơ sở, nhà máy khắp đất nước.


Bản đồ mạng lưới các máy tính của OGAS.

Tới năm 1970, Glushkov đã hoàn thành kế hoạch chi tiết, chỉ chờ để trình lên trên. Tuy nhiên, ngân sách dự trù cho dự án này quá lớn, vào khoảng 20 tỷ ruble, tương đương khoảng 100 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay. Chi phí này tương đương với cả hai dự án vũ trụ và bom nguyên tử mà Liên Xô đã thực hiện.

Bên cạnh đó, mạng lưới này cũng cần khoảng 30.000 nhân công để xây dựng và là một kế hoạch dài hơi kéo dài tới 30 năm. Ngoài ra, lượng máy tính đang có lúc đó tại Liên Xô cũng không đủ để xây dựng mạng lưới. Đó là những khó khăn cản trở việc hiện thực hóa mạng lưới OGAS.

Mạng lưới bật tắt bóng đèn cho trại gà

Bên cạnh những lý do về chi phí, kế hoạch OGAS cũng khiến cho nhiều thành viên của Bộ Chính trị Liên Xô lo ngại khi nó trao quyền hành quá lớn cho Ủy ban Kế hoạch nhà nước.

Khi Glushkov đưa kế hoạch ra trình bày trước Bộ Chính trị Liên Xô năm 1970, ông nhận thấy hai người duy nhất từng ủng hộ mình là Tổng Bí thư Leonid Brezhnev và Thủ tướng (Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng) Aleksey Kosygin đều vắng mặt. Hai nhân vật quyền lực nhất của Liên Xô đều đang có những chuyến công tác ngoại giao.

Dù không có hai người ủng hộ mình, Glushkov vẫn trình bày về kế hoạch OGAS trong hơn nửa giờ. Nhiều vị quan chức như Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng Nikolai Baibakov hay Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật Thiết bị Tự động hóa và Hệ thống Điều khiển Konstantin Rudnev đã lên tiếng ủng hộ Glushkov.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Liên Xô Vasily Garbuzov lại cho rằng rằng máy móc hiện đã được áp dụng hiệu quả trong các trại gà, do vậy trước tiên mọi người nên tính đến việc áp dụng ở những trang trại chứ không phải là mạng lưới quốc gia để kết nối chúng với nhau. Trong cuốn sách của mình, tác giả Ben Peters cho rằng ông Garbuzov đã phản đối từ khi kế hoạch được chuyển giao cho Ủy ban Thống kê Trung ương. Nếu tiếp tục, Bộ Tài chính của ông sẽ bị lép vế về quyền lực.


Bản đồ kế hoạch cho một mạng lưới kết nối các máy tính khắp Liên Xô vào năm 1990.

"Đến lúc đó, mọi thứ liên quan đến kinh tế và mô hình toán học làm nền tảng cho OGAS đã bị gạt đi", Glushkov viết lại trong cuốn tự truyện của mình.

Càng về sau, ý kiến của các thành viên Bộ Chính trị Liên xô càng nghiêng dần về hướng không triển khai toàn bộ OGAS.

"Các đồng chí, có thể chúng ta sai lầm khi không triển khai hoàn chỉnh kế hoạch này, nhưng nó là một cách mạng mà chúng ta chưa thể hiểu hết được", Glushkov nhớ lại lời của Ủy viên Bộ Chính trị Mikhail Suslov kết luận. Cuối cuộc họp, kết luận được đưa ra: OGAS sẽ bị chuyển về cho một viện kỹ thuật đảm nhiệm, và chỉ nghên cứu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật.

Tới tháng 4/1971, sau Đại hội Đảng, dự án OGAS được triển khai một phần. 1.600 hệ thống quản trị tự động (ASU) được lắp đặt, sản lượng máy tính tăng 2,6 lần, và một mạng lưới kỹ thuật được triển khai nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều so với những gì dự án OGAS đề xuất.


"Siêu máy tính" BESM1 của Liên Xô những năm 1950 có khả năng thực hiện 10.000 phép tính/giây. Đây là máy tính được đề xuất để kết nối vào mạng lưới OGAS.

Trong 12 năm tiếp theo, Glushkov vẫn cố gắng thúc đẩy dự án này đạt được những gì ông mong mỏi và được công chúng biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như khả năng máy tính chưa đáp ứng được, sự phức tạp của nền kinh tế Liên Xô, OGAS không bao giờ đạt được tiềm năng mà Glushkov từng nghĩ đến. Dù vậy, cho tới khi ông mất vào năm 1983, Glushkov vẫn cho rằng đây là công trình vĩ đại nhất cuộc đời của ông.

Sau khi Glushkov qua đời, nhiều nhân vật khác như nhà khoa học máy tính Mikhail Botvinnik hay Vladimir Kitov cũng cố gắng đưa dự án này tới những cấp cao hơn để triển khai, nhưng các nỗ lực đó cũng không đi đến đâu. Chỉ vài năm sau, mạng World Wide Web, được phát triển từ mạng Arpanet của Mỹ ra đời. Phát minh này đã thay đổi hoàn toàn cách con người kết nối với nhau.

"Internet Liên Xô" là một ý tưởng vĩ đại, nhưng vĩnh viễn không thể trở thành hiện thực. Anatoly Kitov, Victor Glushkov hay Mikhail Botvinnik đều hình dung được một tương lai trong đó kết nối đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, họ đã không thể tự tay tạo nên tương lai đó.

Cập nhật: 17/12/2019 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video