Bị kịch của những nhà thám hiểm không bao giờ trở về

  •   2,73
  • 2.378

Đảo Beechey (Canada) trở thành điểm tham quan mang ý nghĩa lớn về lịch sử vì là nơi neo đậu và cũng là mồ chôn của các nhà thám hiểm đoàn Franklin bỏ mạng trong hải trình hướng về vùng Bắc Cực từ năm 1845.

Với những cơn gió lạnh buốt luôn quần quật thổi qua, Beechey trông như một hành tinh khác nằm cách xa trái đất. Thực chất nó thuộc quần đảo Nunavut, Canada nằm trong khu vực Bắc Cực. Đảo được tách ra từ góc phía tây nam của đảo Devon bởi eo biển Barrow. Beechey trở thành điểm tham quan nổi tiếng nhất vùng cực vì là nơi hai con thuyền xấu số của đoàn thám hiểm Franklin đã neo đậu vào năm 1845 và không bao giờ trở về.

Sir John Franklin, sinh năm 1786 tại Lincolnshire (Anh), là một chỉ huy của Hải quân Hoàng gia Anh trong thời chiến tranh Napoleon. Đoàn thám hiểm do Franklin dẫn đầu rời London ngày 19/5/1845 với 24 sĩ quan, 110 thuyền viên trên 2 con tàu HMS Erebus và HMS Terror.

Sau khi dừng ở Scotland họ tới vịnh Disko ở bờ biển phía tây Greenland, nơi thành viên trong đoàn viết những lá thư cuối cùng gửi về nhà. Tuy nhiên, lúc này có 5 người ốm và được đưa về quê nhà trên những chuyến tàu hỗ trợ. Họ không hề biết mình may mắn như thế nào.

Họ là những người đầu tiên đi tìm Hành lang Tây Bắc trên Bắc Băng Dương - một con đường giao thương dễ dàng hơn tới châu Á là băng qua lục địa Bắc Mỹ. Họ đưa tàu qua vịnh Baffin nằm giữa Greenland và Canada, thông qua Lancaster Sound để đi qua eo biển Bering, ngoài khơi phía tây Alaska.

Du khách tham quan đảo Beechey với những dấu tích sót lại của những thủy thủ trong đoàn thám hiểm Franklin.
Du khách tham quan đảo Beechey với những dấu tích sót lại của những thủy thủ trong đoàn thám hiểm Franklin. (Ảnh: Quark Expeditions).

Báo chí khi đó dự đoán họ có thể đi hết tuyến đường và mang theo rất nhiều hàng hóa như trà, rượu rum, 8.000 hộp thịt, rau quả và súp.

Ngày 12/7, đoàn thám hiểm còn 129 người lái tàu tới Canada và hai tuần sau đó tàu vào vịnh Baffin khi tinh thần vẫn còn rất tốt. Franklin và các thủy thủ tiếp tục hướng về phía tây rồi biến mất.

Hai năm trôi qua, một sự im lặng trống rỗng vọng về từ miền bắc Canada. Sau đó ba đội tìm kiếm được thành lập và khởi hành vào mùa xuân năm 1848. Tuy nhiên họ trở về sau một năm mà không tìm thấy dấu vết nào của những nhà thám hiểm đã mất tích.

Năm 1850, một hạm đội tàu tìm kiếm khác phát hiện một mộ đá trên bờ biển đảo Beechey. Họ đoán đoàn thám hiểm Franklin đã dành cả mùa đông năm 1845 tại đây, để lại đằng sau cả trăm vỏ hộp thức ăn và mất đi ba người trong đoàn, những tổn thất đầu tiên về quân số.

Bia mộ đầu tiên được dựng nên trên đảo Beechey dành cho các thủy thủ trẻ bỏ đã bỏ mạng là John Torrington (20 tuổi), John Hartnell (25 tuổi), William Braine. Tấm bia mộ thứ 4 được thêm sau đó dành cho nghiên cứu viên Thomas Morgan, anh chết vì bệnh scurvy (bệnh do thiếu vitamin C) năm 1854 khi tìm kiếm đội thám hiểm mất tích.

Tuy người ta tìm ra nhiều dấu vết nhưng vẫn chưa có câu trả lời cho nhiều nghi vấn về cái chết của thủy thủ đoàn thám hiểm Franklin khi hành trình mới bắt đầu.

Người ta tuyên bố chính thức rằng Franklin và toàn bộ đội thủy thủ đã mất năm 1854. Cùng năm đó, nhà thám hiểm John Rae, gặp tộc người Inuit sống gần Kugaaruk (Nunavut), cách Beechey 650km về phía nam. Họ cho biết, họ đã thấy 35 - 40 người đàn ông chống chọi trong tuyết và chết vì đói rét.

Những vết cắt trên người là bằng chứng của việc đói khát tới mức ăn thịt lẫn nhau. Năm 1859, các nhà thám hiểm khác cũng phát hiện ra Franklin chết năm 1847 trên đảo King William, cách Beechey 670km về phía tây nam.

Giữa năm 1984 - 1986, một đội tìm kiếm do Owen Beattie, nhà nhân chủng học của Đại học Alberta (Canada) dẫn đầu đã khai quật ba thi thể được chôn sâu dưới băng. Họ tìm ra bằng chứng của của nồng độ chì cao trong thi thể, có thể do rò rỉ từ những hộp thức ăn hoặc từ hệ thống trữ nước ngọt trên tàu.

Bia tưởng niệm thủy thủ chết trên đảo Beechey.
Bia tưởng niệm thủy thủ chết trên đảo Beechey. (Ảnh: Sarah Hewitt).

Năm 2016, một đội do nhà nghiên cứu chất độc Canada Jennie Christensen chỉ đạo, đã phân tích mẫu vân tay, móng chân từ thi thể John Hartnell, một trong 3 thành viên đầu tiên thiệt mạng. Họ phát hiện ra Hartnell bị thiếu kẽm, có thể do không ăn đủ thịt. Điều này làm tổn hại hệ miễn dịch của anh và gây ra các bệnh như viêm phổi hoặc lao phổi. Đội của Jennie kết luận những thủy thủ trong đoàn thám hiểm của Franklin tử vong do nhiễm độc chì, suy dinh dưỡng và sức khỏe yếu.

Trên Beechey ngoài những tấm bia mộ còn có ngôi nhà Northumberland xây năm 1854 bởi các thủy thủ trong một đội tìm kiếm. Không cây cối trên đảo nên họ chở gỗ từ một con tàu bắt cá voi bị đắm tới đây dựng nhà.

Ngôi nhà là kho cất thực phẩm dự trữ, phòng khi có ai đó trong đoàn tìm ra đường về hoặc hỗ trợ những đội tìm kiếm khác. Tuy nhiên trải qua hơn 160 mùa đông nó đã bị thiên nhiên khắc nghiệt phá hủy và chỉ còn là một đống gỗ mục. Cách ngôi nhà không xa là khu tưởng niệm Franklin và các thủy thủ của ông.

Hiện nay, du khách cũng có thể "thám hiểm" đảo Beechey bằng cách tham gia tour khám phá đi theo đoàn lớn. Hành trình này đưa du khách đến những dấu tích lịch sử: trại nghỉ đông Franklin năm 1845 - 1846, ngôi nhà Northumberland, các ụ đá khắc lời nhắn, nơi hai con thuyền của Hoàng gia Anh bị băng đá nghiền nát...

Cập nhật: 06/03/2017 Theo VnExpress
  • 2,73
  • 2.378