Mặt nạ cổ bằng đá sa thạch với những chi tiết có tính đối xứng và hoàn thiện cao được tìm thấy gần một khu định cư ở Israel.
Một mặt nạ cổ bằng đá có niên đại cách đây 9.000 năm hôm qua được tiết lộ trước công chúng tại Bảo tàng Quốc gia Israel ở Jerusalem, AFP đưa tin. Cổ vật được tìm thấy trên một cánh đồng gần khu định cư Pnei Hever ở Bờ Tây nước này. Các chuyên gia tin rằng nó có mối liên hệ chặt chẽ với sự khởi đầu của xã hội nông nghiệp cổ đại.
Mặt nạ 9.000 năm tuổi bằng đá sa thạch ở Israel. (Ảnh: AFP).
Bốn lỗ khoan cho thấy mặt nạ được dùng để đeo. (Ảnh: AFP).
Mặt nạ có kích thước tương tự mặt người, được làm hoàn toàn bằng đá sa thạch với những chi tiết trên khuôn mặt có sự đối xứng và mức độ hoàn thiện cao. "Bạn thậm chí có thể nhìn thấy những đường nét của gò má", nhà khảo cổ học Ronit Lupu cho biết. Đây là phát hiện cực hiếm khi chỉ có 15 chiếc tương tự được tìm thấy trên toàn thế giới.
Với bốn lỗ khoan nhỏ được tìm thấy trên các cạnh, nhóm nghiên cứu tin rằng con người cổ đại đã sử dụng mặt nạ để đeo hoặc gắn lên những bức tượng trưng bày, như một phần của nghi thức tôn giáo. Cổ vật được cho là xuất hiện trong giai đoạn chuyển đổi xã hội sâu sắc từ lối sống dựa trên săn bắn, hái lượm sang định cư lâu dài và phát triển nông nghiệp có hệ thống.
"Mặt nạ có liên quan đến cuộc cách mạng nông nghiệp. Sự chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên săn bắn, hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi kéo theo sự thay đổi trong cấu trúc xã hội và sự gia tăng trong các hoạt động tôn giáo. Những nghi lễ ở thời kỳ này thường sử dụng tượng người và mặt nạ bằng đá sa thạch", Omry Barzilai, người đứng đầu Cục Nghiên cứu Khảo cổ học Israel giải thích.