Kế hoạch hồi sinh vị tổng thống đầu tiên của Mỹ

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 3/1797, George Washington trở về quê nhà ở bang Virginia, vui thú điền viên.

Hai năm sau, ông mắc bệnh và qua đời. Trong niềm tiếc thương vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, một bác sĩ đã đề xuất phương pháp giúp ông sống lại, nhưng mọi chuyện không suôn sẻ.

Ý tưởng táo bạo không thành


Chân dung George Washington được vẽ hai năm trước khi ông qua đời (trái) và bác sĩ William Thornton.

Vào sáng 15/12/1799, bác sĩ William Thornton đã “chạy đua với thần chết” ngang qua vùng nông thôn băng giá của Virginia để mong cứu mạng một người. Nếu con ngựa của ông có thể lao tới ngưỡng cửa ngôi nhà của George Washington trước khi cựu tổng thống qua đời vì nhiễm virus đột ngột, vị bác sĩ này tin rằng mình có thể giúp người bạn thân của mình thoát chết.

Tuy nhiên, khi đến nơi và bước vào phòng khách ngôi nhà thuộc khu dinh thự Mount Vernon, Thornton nhìn thấy mọi người đang đau buồn trước thi thể cứng đờ của Washington. Gia quyến của người mất nói với Thornton rằng, ông đã đến quá muộn để ngăn chặn cái chết của cựu tổng thống. Thế nhưng, vị bác sĩ đã khiến những người có mặt tại đó bị sốc khi tuyên bố ông có thể làm cho Washington sống lại.

Sinh ra ở Tây Ấn thuộc Anh vào năm 1759, Thornton theo học trường Y tại Scotland, trước khi chuyển đến Mỹ và nhập quốc tịch nước này vào năm 1787. Từng nghiên cứu về khoa học giấc ngủ, Thornton đã ghi lại hàng chục trường hợp về động vật và con người được hồi sinh từ trạng thái ngừng hoạt động của cơ thể.

Ông gia nhập Hiệp hội Nhân đạo Hoàng gia, tổ chức được thành lập ở London vào năm 1774 để thúc đẩy kỹ thuật y tế tiên tiến về hồi sức - phà hơi từ miệng qua miệng - do bác sĩ phẫu thuật William Tossack mô tả lần đầu tiên vào năm 1744. Tiến trình này nhằm khởi động lại hơi thở và nhịp tim ở những nạn nhân đuối nước.

Vào thời điểm mà các bác sĩ đôi khi nhầm lẫn tình trạng hôn mê sâu với cái chết, nỗi sợ bị chôn cất sớm lan tràn đến mức đưa đến việc phát minh ra quan tài an toàn, chẳng hạn như áo quan có một sợi dây mà người nằm trong có thể kéo cái chuông trên mặt đất, báo hiệu cho biết họ còn sống.

Washington lo sợ về một vụ chôn sống ngoài ý muốn khi ông nằm trên giường bệnh vào tối ngày 14/12/1799. Chỉ thị cuối cùng của ông với thư ký, Tobias Lear, là phải để ít nhất hai ngày rồi mới được chôn cất thi hài ông.

Cựu tổng thống đã phải chịu đựng 48 giờ đau đớn sau khi mắc phải chứng nhiễm trùng cổ họng nghiêm trọng, được cho là viêm nắp thanh quản cấp tính, khiến việc nuốt và thở trở nên khó khăn.

Khi ông dần dần ngạt thở, các bác sĩ và người giám sát ở Mount Vernon đã rút hết 40% lượng máu của ông - hơn hai lít - với niềm tin rằng, bốn lần truyền máu sẽ điều chỉnh sự mất cân bằng của bốn chất dịch cơ bản - máu, đờm, mật vàng và mật đen, được cho là nguyên nhân gây nhiễm trùng.

Các bác sĩ cũng thoa các vết phồng rộp bằng cantharide, đắp cổ họng của ông bằng thuốc giã từ lúa mì, dùng thuốc thụt và thuốc xổ, cho đến khi Washington yêu cầu ngừng ngay các nỗ lực này vì nó chỉ làm ông thêm đau đớn.

Khi tin tức về tình trạng bệnh của cựu tổng thống 67 tuổi truyền đến Washington, D.C, Thornton đã phi ngựa cấp tốc đến Mount Vernon, nơi ông là khách quen thường qua đêm.

Mặc dù không phải là bác sĩ riêng của Washington và chưa bao giờ hành nghề y sau khi đến Hoa Kỳ, Thornton vẫn “tự tin hoàn toàn có thể giúp ông ấy thuyên giảm”, bằng cách thực hiện một kỹ thuật sáng tạo nhưng cực kỳ hiếm gặp - phẫu thuật cắt khí quản.

Nhưng khi chạm trán với cơ thể cứng đờ của Washington, Thornton lại nghĩ đến những trường hợp ông từng đọc về cá sống lại sau khi bị đóng băng và lên kế hoạch hồi sinh cố tổng thống.

Ông đề xuất “rã đông” thi thể của Washington trong nước lạnh, trước khi ủ ấm bằng chăn. Sau đó, ông sẽ mở một đường dẫn đến phổi qua phẫu thuật cắt khí quản và “thổi phồng chúng bằng không khí để tạo ra hô hấp nhân tạo”. Bước cuối cùng của Thornton là truyền máu cừu cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, không ai ở Mount Vernon chia sẻ niềm tin này của ông. Đặc biệt, gia đình tôn trọng lời căn dặn mà ông đã đưa ra với các bác sĩ của mình ngày hôm trước: “Tôi cầu xin các bạn đừng gây rắc rối cho tôi nữa, hãy để tôi ra đi trong yên bình”.


Tranh vẽ tái hiện cảnh Tổng thống George Washington khi qua đời.

Nơi an nghỉ cuối cùng của tổng thống

Vài ngày sau khi Washington qua đời, Tổng thống John Adams đã hỏi Martha Washington, người thực thi di chúc của chồng, liệu bà có muốn chuyển thi hài của cựu tổng thống đến Điện Capitol hay không.

Mặc dù đã lên kế hoạch chôn cất chồng mình vĩnh viễn, nhưng người góa phụ đau buồn đồng ý với gợi ý trên. Tuy nhiên, do thiếu tiền và vật liệu, việc xây dựng Điện Capitol bị kéo dài trong nhiều thập niên sau đó nên quá trình chuyển thi hài của Washington gặp trở ngại.

Khi kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Washington đến gần vào năm 1832, sự phản đối trong công chúng bang Virginia về việc di chuyển thi hài người anh hùng của họ ngày càng tăng.

Cho đến lúc hài cốt của ông được đặt trong một ngôi mộ mới xây ở Mount Vernon ngày 7/10/1837, ý tưởng về nơi an nghỉ của vị tổng thống đầu tiên tại tòa nhà Quốc hội đã hoàn toàn không thành hiện thực. Ngôi mộ ở Mount Vernon hiện chứa hài cốt của Washington, của vợ ông, cũng như 25 thành viên khác trong gia đình.

George Washington (1732 - 1799) là Tổng tư lệnh Quân đội Lục địa trong Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ (1775 - 1783), lãnh đạo lực lượng thuộc địa đánh bại người Anh và trở thành anh hùng dân tộc. Năm 1787, Washington được bầu làm Chủ tịch hội nghị soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ. Hai năm sau, ông trở thành tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, phục vụ hai nhiệm kỳ từ 1789 - 1797.
Cập nhật: 26/03/2024 GDTĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video