Không phải để lướt Facebook, lên Youtube xem video mà việc phủ sóng WiFi toàn bộ ngọn núi lửa tại Nicaragua với mạng internet sẽ giúp các nhà khoa học thu được dữ liệu nhằm dự đoán được khi nào nó sắp sửa phun trào, từ đó chủ động đưa ra phương án ứng phó khẩn cấp một cách hiệu quả.
Cụ thể, hãng General Electric sẽ hợp tác cùng với nhà thám hiểm, làm phim Sam Cossman và chính quyền Nicaragua để lắp đặt 80 cảm biến không dây bên trong ngọn núi lửa đang hoạt động mang tên Masaya nằm ở ngoại vi thủ đô Managua. Theo kế hoạch, đầu tiên nhà thám hiểm Cossman sẽ leo xuống độ sâu 370 tính từ miệng núi lửa để thử nghiệm mạng WiFi. Trong vòng 2-3 tuần tiếp theo, Cossman sẽ lắp đặt các cảm biến ở khu vực quanh miệng dung nham.
Miệng núi lửa Masaya, nơi sẽ được lắp đặt các cảm biến kết nối với internet để dự đoán phun trào.
Các cảm biến sẽ cho phép các nhà khoa học thu thập dữ liệu theo thời gian thực về nhiệt độ, áp suất khí quyển, trọng lực và nhiều biến số khác như lượng khí CO2, H2S tại miệng núi lửa. Dữ liệu thu được sẽ được truyền qua internet về một cơ sở dữ liệu mã nguồn mở mang tên Predix. Từ đây, các nhà nghiên cứu và cả những cư dân địa phương có thể truy cập vào dữ liệu để hiểu rõ hơn về hành vi của núi lửa Masaya. Bởi thế, dữ liệu sẽ được trình bày một cách đơn giản thông qua giao diện web để người bình thường cũng có thể đọc hiểu được chứ không chỉ dành riêng cho các chuyên gia.
Cossman cho biết: "Mục tiêu cơ bản là lắp đặt các cảm biến vào trong núi lửa và tạo nên một hệ thống cảnh báo sớm núi lửa phun trào hiệu quả nhất thế giới. Dự án này sẽ là mô hình đầu tiên và sẽ được nhân rộng khắp thế giới trong lĩnh vực dự báo thiên tai". Khi thực hiện nhiệm vụ lắp các cảm biến trong núi lửa, Cossman sẽ mắc một bộ quần áo đặc biệt, có phủ nhôm nhằm chống chịu nhiệt độ lên tới gần 540 độ C tại miệng hố dung nham. Một thách thức khác của dự án chính là đảm bảo các cảm biến sau khi lắp cũng chịu được nhiệt độ cực cao nơi đây nhằm truyền thông tin chính xác về trung tâm.