Kết quả bắn tiểu hành tinh 4,6 tỷ năm tuổi của tàu Nhật

Tàu vũ trụ Hayabusa 2 làm nổ bề mặt Ryugu, tạo ra hố trũng giúp giới khoa học hiểu thêm về thành phần cấu tạo của tiểu hành tinh này.

Các nhà khoa học thông báo kết quả nghiên cứu hố trũng nhân tạo trên bề mặt Ryugu, tiểu hành tinh giàu carbon rộng khoảng 850 m nằm trong hệ Mặt Trời. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Science hôm 19/3.


Đất đá văng lên khi tàu Hayabusa 2 bắn tiểu hành tinh Ryugu. (Ảnh: Space).

Nhóm tiểu hành tinh giàu carbon chiếm khoảng 3/4 số tiểu hành tinh đã biết. Chúng tồn tại từ thời kỳ sơ khai của hệ Mặt Trời, chứa những vật liệu nguyên thủy từ tinh vân đã sinh ra Mặt Trời và các hành tinh trong hệ. Vì vậy, việc nghiên cứu chúng đóng vai trò quan trọng giúp giới khoa học hiểu thêm về quá trình hình thành của các hành tinh.

Năm 2014, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phóng tàu Hayabusa 2 lên không gian. Năm 2018, con tàu tiến vào quỹ đạo Ryugu và thả các robot nghiên cứu xuống. Nhờ đó, các nhà khoa học phát hiện Ryugu có thể là một khối đá xốp, rỗ, rỗng đến 50%.

Năm 2019, Hayabusa 2 bắn thiết bị mang tên Small Carry-on Impactor (SCI) với tốc độ khoảng 7.200 km/h xuống bề mặt Ryugu. SCI giống viên đạn đồng nặng khoảng 2 kg, lớn hơn quả bóng tennis một chút. Vụ bắn làm vụn đá văng lên, đồng thời tạo một hố trũng khiến vật chất nguyên sơ dưới lớp đất đá bề mặt lộ ra.

Kích thước và số lượng hố trũng trên các tiểu hành tinh như Ryugu có thể giúp giới khoa học ước tính độ tuổi và cấu tạo bề mặt của chúng. Ước tính này dựa trên các mô hình về sự hình thành của hố trũng. Dữ liệu từ những vụ va chạm nhân tạo như trên Ryugu có thể giúp kiểm nghiệm mô hình.

SCI tạo ra hố trũng rộng khoảng 14,5 m với thành nhô cao, lỗ hình nón ở trung tâm rộng khoảng 3 m và sâu 0,6 m. "Tôi rất ngạc nhiên khi thấy hố trũng lớn như vậy", Masahiko Arakawa, tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Kobe, cho biết. Hố trũng lớn gấp 7 lần so với kết quả dự kiến khi thực hiện tác động tương tự trên Trái Đất.

Hố trũng nhân tạo hình bán nguyệt, lớp vật chất văng lên không đối xứng. Điều này cho thấy có một khối đá lớn nằm trong lòng đất, gần hố trũng.

Các đặc điểm của hố nhân tạo và vụn đá chỉ ra, kích thước hố trũng bị hạn chế phần lớn do trọng lực, không phải do độ rắn chắc của bề mặt tiểu hành tinh. Điều này nghĩa là Ryugu có kết cấu bề mặt tương đối yếu, chỉ giống như cát tơi xốp, nhất quán với các nghiên cứu trước đó.

Phát hiện mới còn cho thấy bề mặt Ryugu khoảng 8,9 triệu năm tuổi, trong khi một số mô hình trước đó cho là độ tuổi có thể lên tới 158 triệu năm. Ryugu cấu tạo từ những vật liệu 4,6 tỷ năm tuổi, nhưng có thể nó được hợp thành từ những mảnh đất đá của các tiểu hành tinh khác chỉ khoảng 10 triệu năm trước.

Cập nhật: 20/03/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video