Dữ liệu từ tàu vũ trụ Hayabusa2 của Nhật Bản cho thấy tiểu hành tinh Ryugu có độ xốp cao, giống như "nước cà phê đông lạnh".
Ảnh chụp tiểu hành tinh Ryugu từ tàu Hayabusa2. (Ảnh: Nature).
Ryugu là một trong những tiểu hành tinh được nghiên cứu nhiều nhất trong vũ trụ. Nó không chỉ là "viên nang thời gian" về lịch sử hình thành của hệ Mặt Trời, mà còn tiềm ẩn nguy hiểm với quỹ đạo có thể tiếp cận cực gần Trái Đất và đủ lớn (rộng 1 km) để gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong trường hợp va chạm với hành tinh của chúng ta.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature hôm 16/3, các nhà thiên văn học Nhật Bản tiết lộ Ryugu là một tiểu hành tinh có độ xốp cao với khoảng 50% thể tích là các lỗ hổng. Điều này đã củng cố giả thuyết rằng vật thể 700 triệu năm tuổi được tạo thành từ một "đống đổ nát" sau khi một thiên thể bằng đá lớn hơn sụp đổ.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi nhà khoa học Tatsuaki Okada thuộc Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản, đã sử dụng tàu Hayabusa2 để đo nhiệt độ tối đa của tiểu hành tinh trong một vòng quay đầy đủ. Bản đồ nhiệt cho thấy hầu hết bề mặt hành tinh đều "mát mẻ", với các vùng màu xanh dương có nhiệt độ khoảng 27°C, vùng màu vàng khoảng 57°C và một số đốm đỏ (vùng có mật độ đá dày đặc) có nhiệt độ 87°C.
Bản đồ nhiệt của tiểu hành tinh Ryugu. (Ảnh: Science News).
Việc quan sát cách bề mặt của tiểu hành tinh giữ và giải phóng nhiệt có thể cung cấp manh mối về thành phần và cấu trúc của nó. Đá có mật độ dày sẽ nhận nhiệt từ từ và giữ nhiệt lâu hơn, trong khi đá xốp cho thấy sự thay đổi nhiệt độ nhanh chóng, giống như cát trên bãi biển, Okada giải thích.
Phát hiện mới có thể có ý nghĩa trong việc nghiên cứu nguồn gốc hình thành của hệ Mặt Trời. Nhiều nhà thiên văn học cho rằng hệ Mặt Trời của chúng ta ban đầu là một "nơi hung bạo", với các thiên thể va chạm không ngừng trước khi những mảnh vỡ tích tụ, hình thành các hành tinh và tiểu hành tinh như ngày nay.