Khả năng giúp mực giao tiếp trong vùng biển tối

Các nhà sinh vật học công bố bằng chứng cho thấy mực Humboldt có thể giao tiếp bằng thị giác dưới vùng biển tối tăm nhờ khả năng phát sáng.

Ở vùng nước lạnh lẽo nằm sâu hơn 450 m dưới bề mặt Thái Bình Dương, hàng trăm con mực Humboldt - có kích thước bằng người trưởng thành - di chuyển theo đàn với khoảng cách giữa các thành viên luôn được duy trì, không bao giờ xảy ra va chạm hay tranh giành con mồi của nhau. Bằng cách nào mà chúng thiết lập được trật tự như vậy trong vùng biển tối, nơi hầu hết ánh sáng mặt trời không thể tiếp cận?


Mực Humboldt. (Ảnh: Phys).

Câu trả lời có trong nghiên cứu được công bố hôm 23/3, Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, có thể nằm ở khả năng giao tiếp bằng thị giác của các con vật. Các chuyên gia từ Đại học Stanford và Viện nghiên cứu Thủy cung vịnh Monterey (MBARI), Mỹ cho rằng mực Humboldt có thể sử dụng cơ quan đặc biệt trong cơ bắp để tạo ra ánh sáng, làm thay đổi sắc tố trên da. Các thành viên trong đàn sẽ sử dụng mô hình thay đổi này để báo hiệu cho nhau.

"Nhiều con mực sống ở vùng nước nông không có các cơ quan sản xuất ánh sáng, điều này cho thấy đây có thể là một đặc điểm tiến hóa", tác giả chính của nghiên cứu Benjamin Burford từ Đại học Stanford cho biết. "Để tồn tại dưới vùng biển sâu tối tăm, chúng cần khả năng phát sáng để tăng độ tương phản cho da, tạo thuận lợi cho việc giao tiếp bằng thị giác".

Hành vi giao tiếp của mực Humboldt gần như không thể nghiên cứu trong điều kiện nuôi nhốt, vì vậy các nhà sinh vật học đã phải sử dụng thiết bị lặn điều khiển từ xa (ROV) để tìm kiếm và ghi hình các con vật bên dưới vùng biển sâu ở ngoài khơi California.


Mực Humboldt săn mồi ở ngoài khơi California. (Video: MBARI).

Tuy nhiên, do cường độ đèn của ROV quá mạnh, máy ảnh không thể quan sát trực tiếp ánh sáng yếu mà mực Humboldt phát ra. Thay vào đó, nhóm nghiên cứu tìm thấy bằng chứng hỗ trợ cho hành vi giao tiếp bằng ánh sáng của chúng thông qua các phân tích giải phẫu trên một số con mực bị bắt.

Trong giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu, các nhà sinh vật học muốn cải tiến công nghệ ROV để có thể ghi hình trực tiếp hành vi phát sáng của mực Humboldt. Bên cạnh đó, họ có kế hoạch tạo ra "mực ảo" bằng ánh sáng và chiếu trước mặt những con mực thật để xem cách chúng phản ứng với các kiểu chuyển động khác nhau.

Cập nhật: 28/03/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video