Động đất 7.1 độ Ritchter ngày 26/12/2006 vừa qua ở Đài Loan, tiếp theo sau là một cảnh báo về sóng thần đã làm xáo trộn và gây lo âu cho cư dân Việt Nam vùng ven biển. Mặc dù một đợt sóng cao 0,8 m đã ghi nhận tại trạm đo Quy Nhơn theo thông báo của Viện Vật lý địa cầu, nhưng không có tin tức thông báo gì thêm về sự xuất hiện của một đợt sóng thần, cho dù là nhỏ, dọc theo duyên hải Việt Nam. Chúng ta thử tìm hiểu cơ chế xuất hiện sóng thần và khả năng xuất hiện của chúng trên vùng ven biển Việt Nam.
Cho đến nay có thể có ít nhất là 4 hoạt động trên vỏ đất có thể hình thành nên sóng thần: sự va chạm của một thiên thạch trên mặt biển; các hoạt động của núi lửa ngầm trên nền biển; các trượt sụp, đất chuồi (land slide) trên nền biển; và các hoạt động dịch chuyển vỏ trái đất dọc theo các hệ thống trượt hay toạc sụp.
Các chứng tích về sự va chạm của một thiên thạch trong vùng Đông Nam Á được xác định bằng sự hiện diện của tektites (www.austmus.gov.au/geoscience/tektites/index.htm) là các mảnh vụn bắn tung ra khi thiên thạch lao vào vỏ đất, rải rác trong một vùng rộng lớn. Ở Việt Nam, tektites được tìm thấy nhiều ở Lâm Đồng, Bình Thuận cùng một số nơi ở miền Bắc. Tại Lào, tektites được tìm thấy vùng Mường Nong... Các tektites này được gọi bằng các tên riêng tùy vùng chúng đươc tìm thấy: Indochinites cho vùng Đông Dương, Philippinites cho Philippines...
Suevite (5 cm x 3 cm). Ries Crater, Bavaria, Germany. (Ảnh: © Australian Museum)
Tuổi các tektites này được xác định theo phương pháp Ar/K đồng vị phóng xạ là từ 600.000 đến 700.000 năm và vị trí va chạm của thiên thạch trong vùng Đông Nam Á, đến nay vẫn chưa được xác định, tuy rằng một số nhà địa chất cho rằng biển hồ Tonle Sap (Campuchia) có thể là kết quả của sự va chạm này. Sóng thần gây ra do kết quả va chạm này dĩ nhiên sẽ là một tai họa khủng khiếp. Tuy nhiên hạn vận không phải là ngàn năm mà là vài trăm ngàn năm một thuở này chắc không làm chúng ta bận tâm nhiều lắm.
Hỏa sơn bùng nổ trên nền biển cũng sẽ tạo nên sóng thần. Núi lửa Krakatoa, Indonesia bùng nổ năm 1883, tiếp theo sau là một đợt sóng thần tràn vào bờ, tàn phá trên 167 làng mạc và cướp đi 36.417 sinh mạng. Đây là loại hỏa sơn thành lập trong kiểu mẫu kiến tạo địa chất hút chìm (subduction zone), hỏa sơn với dung nham giàu silic, sánh đặc nên có hoạt động bùng nổ dữ dội và tàn phá, kiểu mẫu vẫn còn hiện diện ngày nay ở Indonesia, Philippines, Nhật... Chúng ta vẫn có sự hiện diện của hỏa sơn trên đất liền, tuy đã ngưng hoạt động (Pleiku, Long Khánh - Đồng Nai...), và trên biển hòn Tro (1923) ngoài khơi Quy Nhơn. Điều may mắn là đây là loại hỏa sơn hiền hòa, với dung nham loãng, loại thành lập nơi kiến tạo nứt (rift zone), do đó không tạo những dạng bùng nổ khi hoạt động và khó gây ra sóng thần ngay khi cả chúng hoạt động trên nền biển.
Hướng có khả năng xuất hiện sóng thần ở VN
Hiện tượng đất chuồi (land slide) với cả một quả đồi to trượt xuống vùng thấp bên dưới do các ảnh hưởng của động đất trong vùng, hoặc do các tác nhân thiên tạo hay nhân tạo khác. Trên nền biển cũng tương tự như vậy, cả một vùng đất to lớn có thể trượt sụp, đổ ào xuống bên thấp và do đó gây ra những chấn động trong lòng biển và gây ra sóng thần. Địa hình nền biển miền trung Việt Nam là một vùng cao chuyển đột ngột đến một địa hình thấp qua toạc Quy Nhơn, chạy dài theo hướng bắc nam ngoài biển khơi. Hiện tượng đất chuồi trên nền biển vì thế rất có thể xảy ra liền theo sau các hoạt động địa chấn mà ta đã thấy từng xảy ra trên đất liền (Điện Biên) hoặc trên biển (Vũng Tàu) những năm vừa qua. Sóng thần gây ra do hoạt động này đã không có ghi nhận gây ra nhiều tàn phá, tuy nhiên đối với Việt Nam thì rất khó phát hiện cũng như phòng chống vì chúng có vị trí xuất hiện rất gần bờ vì thế sẽ lan truyền đến đất liền rất nhanh chóng, một khi được thành lập.
Sóng thần gây ra do các hoạt động địa chấn là loại sóng thần được ghi nhận gây nhiều tàn phá và chết chóc nhất, tuy nhiên cần phân biệt là chỉ có một số loại địa chấn mới có khả năng gây ra sóng thần và duy nhất chỉ khi chúng xảy ra trên nền biển. Động đất xảy ra khi hai khối địa mảng (plates) thình lình trượt bên nhau qua mặt toạc (fault plane). Có hai loại trượt thuận (normal) và nghịch (thrust) - theo chiều không gian thẳng đứng - là có thể gây sóng thần, nếu chuyển động này xảy ra trong lòng biển chúng sẽ đẩy lên hoặc kéo xuống một lượng khổng lồ nước và kích động gây ra sóng thần. Loại dịch chuyển ngang bên nhau (strike-slip) thì hầu như hoàn toàn không gây ra sóng thần cho dù chúng xảy ra trên nền biển.
Tan hoang Phuket (Thái Lan) năm 2004
Hình ảnh theo sau là kết quả ghi nhận cường độ lớn hơn 6 độ Ritchter và vị trí xuất hiện của các tâm địa chấn trong khoảng thời gian từ 12.2000 đến 12.2006 bởi cơ quan IRIS (Incoroperated Research Institution for Seismology - http://www.iris.edu) trong vùng Đông Nam Á. Một chút chuyên môn về lĩnh vực địa chất, tất cả các loại địa chấn nơi đây đều là thuộc nhóm sinh ra từ hoạt động đẩy lên hay sụp xuống - loại nhiều khả năng gây ra sóng thần - nơi mặt giao tiếp của hai địa mảng. Tuy nhiên điểm mấu chốt là vị trí địa dư tương đối của những địa mảng chính là điểm quyết định vùng bị ảnh hưởng và bị tàn phá của sóng thần nếu chúng được thành lập.
Vùng phía nam, tây nam và tây Indonesia là một vùng trong đó địa mảng biển Australia/India (Australia/India Sea Plate) chìm vào bên dưới địa mảng Sundaland và gây ra núi lửa (Krakato, 1883) cùng sóng thần (Bada Aceh, 2004). Trên bối cảnh địa dư, sóng thần nếu xảy ra trong vùng này sẽ phát triển về phía biển Úc châu hoặc biển Ấn Độ phía nam hoặc tây nam. Biển Đông về phía bắc, được che chở bởi các dãy đất lớn Indonesia, Mã Lai, Borneo do đó có thể nói Việt Nam chúng ta được hoàn toàn yên tâm nếu sóng thần xảy ra trong khu vực này.
Về phía đông, vỏ biển Thái Bình Dương chìm bên dưới Sundaland, một lần nữa động đất và sóng thần có nhiều cơ hội xảy ra dọc từ phía nam lên đến phần rìa đông của phần phía nam Philippines. Khi sóng thần xảy ra trong vùng này, Việt Nam sẽ được che chắn bởi Philippines, sóng thần khó có cơ hội xâm nhập vào biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ngược lên phía bắc, trong vùng phía bắc Philippines và nam Đài Loan, vỏ biển China chìm sụp bên dưới vỏ biển Philippines và gây ra động đất có mặt phát triển về biển Đông, đây là chuyển động kiến tạo có thể gây ra sóng thần và ảnh hưởng đến Việt Nam. Chúng ta có thể thấy một lần nữa, với sự che chắn của đảo Hải Nam, vùng phía bắc Việt Nam có thể sẽ được an toàn hơn so với miền trung và nam Việt Nam nếu sóng thần xảy ra.
Tóm lại chúng ta có thể an tâm không lo ngại về khả năng xuất hiện của sóng thần gây ra do tác nhân hoạt động của núi lửa trên nền biển Đông. Chúng ta có thể phải chấp nhận số phận nếu tai họa một thiên thạch va chạm vào vỏ trái đất trong vùng biển Đông, cơ hội không phải ngàn năm mà là vài trăm ngàn năm một lần. Mặc dầu các toạc ngang trên vùng lãnh thổ Việt Nam được cho là ngừng hoạt động, các vụ động đất gần đây vùng Điện Biên Phủ cho thấy toạc sông Hồng và phần nối dài của chúng trên biển Đông, toạc Quy Nhơn, ngoài khơi miền Trung vẫn còn hoạt động.
Tan hoang Sri Lanka năm 2004
Tương tự như vậy, động đất ngoài khơi Vũng Tàu có thể là chứng cứ sự tái hoạt động của toạc Wang Chao của miền nam Việt Nam. Các động đất này nhỏ và không phải là kiểu mẫu để tạo ra sóng thần nhưng gián tiếp chúng có thể khơi động các sụp đổ trên nền biển và gây ra sóng thần. Hiểm họa sóng thần có cơ hội ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ đến từ Đài Loan và phía tây bắc Philippines, khi địa chấn xảy ra nơi đây. Cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quốc tế, các viện nghiên cứu trong vùng để kịp thời cảnh báo về sóng thần nếu chúng xuất hiện, mỗi khi có động đất xảy ra trong vùng này.
Sau cùng cần có các nghiên cứu về Cổ sóng thần (Paleotsunami), các nghiên cứu này đã có nhiều tại Indonesia, Malaysia, Philippines... tuy nhiên hầu như chưa được chú ý ở Việt Nam, hầu tìm ra được chứng cứ, cường độ và tần số xuất hiện của sóng thần trong trong quá khứ, để có những biện pháp thích hợp để ứng phó.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Đại học San Jose State (Mỹ)