Khả năng ngoại cảm không thực sự tồn tại?

  •   2,33
  • 7.542

Nghiên cứu của ba nhà tâm lý học độc lập vừa bác bỏ khẳng định rằng khả năng ngoại cảm thực sự tồn tại được đưa ra năm ngoái.

Đầu năm ngoái, giáo sư danh dự Dary Bem ở ĐH Cornell (Mỹ) cho biết ông đã dành cả thập kỷ để thực hiện các thí nghiệm mà ông tin rằng khả năng ngoại cảm thực sự tồn tại. Nghiên cứu gây tranh cãi này vừa bị bác bỏ bởi ba nhà khoa học độc lập.

Các thí nghiệm của GS. Bem kiểm tra khả năng của các sinh viên trong việc cảm nhận một số sự kiện ngẫu nghiên, như phát hiện xem một hình ảnh sẽ sáng lên ở góc nào của màn hình máy tính.

Nghiên cứu của Bem xuất bản trên Tạp chí tâm lý học xã hội và tính cách, một tạp chí tâm lý có uy tín, đã khiến nhiều nhà nghiên cứu tức giận, không chỉ vì Bem đã phá hoại những mô hình khoa học từng được yêu mến, mà còn bởi nghiên cứu của ông có sai sót trong dữ liệu và phương pháp, dẫn tới kết luận không chính xác.

Bằng chứng về khả năng ngoại cảm của con người vẫn mơ hồ và gây tranh cãi.
Bằng chứng về khả năng ngoại cảm của con người vẫn mơ hồ và gây tranh cãi.

Bem khuyến khích những nhà khoa học khác lặp lại thí nghiệm của mình. Ba nhà khoa học, gồm nhà tâm lý học Stuart Ritchie ở ĐH Edinburgh (Anh), Richard Wiseman ở ĐH Hertfordshire, và Christopher French ở ĐH London thực hiện ba nghiên cứu riêng rẽ với các sinh viên đại học để tìm kiếm bằng chứng về khả năng ngoại cảm.

Một khám phá được coi là khoa học thực sự khi thí nghiệm tìm ra nó có thể lặp lại bởi các nhà khoa học khác. Nếu không nhà nghiên cứu nào khác có thể lặp lại nghiên cứu và kết quả tương tự thì khám phá đó không có thật. Trong thí nghiệm của Bem, các tình nguyện viên được nhìn thấy 48 từ lóe lên trên một màn hình máy tính. Sau đó được cho làm bài kiểm tra trí nhớ bằng cách đánh máy lại tất cả những từ trên màn hình mà họ vừa nhìn thấy.

Sau đó, một 24 từ được chọn ngẫu nhiên trong 48 từ được cho hiển thị lại. Người tham gia làm tiếp một số bài kiểm tra với những từ này. Thí nghiệm kết thúc. Sau khi phân tích kết quả kiểm tra trí nhớ, Bem và các đồng nghiệp kết luận rằng: Các sinh viên thường nhớ lại những từ mà họ sắp được nhìn thấy lại hơn là những từ không hiển thị lại trong bài thử nghiệm sau, như thể họ thấy trước được tương lai.

Tuy nhiên, ba nghiên cứu lặp lại của ba nhà tâm lý đều đưa ra kết luận: “Chúng tôi chẳng tìm ra điều gì”.

Nói cách khác, những từ mà nhóm sinh viên được nhìn lại sau khi làm bài kiểm tra không giúp cải thiện kết quả. “Có thể các số liệu trong thí nghiệm ban đầu chỉ là do may mắn có được. Đôi khi chúng tôi còn thấy các kết quả đối lập", Richie nói.

Đáp lại kết luận này, Bem cho rằng có thể ba nhà nghiên cứu vốn đã không tin vào khả năng ngoại cảm, nên họ đã tác động một cách không chủ ý lên các tình nguyện viên để họ không thể hiện khả năng đoán trước tương lai. Vì thế, Wiseman đề xuất tất cả 4 nhà nghiên cứu sẽ cùng làm lại thí nghiệm của Bem và cùng nhau phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, một vấn để lớn là tạp chí từng đăng công trình của Bem từ chối đăng nghiên cứu có kết quả ngược lại.

Nhiều năm nay, nhiều nhà khoa học mang nhiều học hàm học vị khác nhau tuyên bố đã tìm ra những bằng chứng đáng tin cậy về khả năng ngoại cảm của con người. Ví dụ, giáo sư tâm lý Gary Schwartz ở ĐH Arizona (Mỹ), tìm ra (nói chính xác là ông khăng khăng là) có bằng chứng của cuộc sống ở thế giới bên kia trong hàng loạt thí nghiệm mà ông thực hiện vào cuối những năm 1990. Cuốn sách mang tựa đề “Những thí nghiệm về cõi âm” xuất bản năm 2002 được gọi là “bằng chứng khoa học đột phá về cõi âm”, dù cho tới tận bây giờ bằng chứng về tâm linh và ma quỷ vẫn cực kỳ mơ hồ.

Theo Đất Việt
  • 2,33
  • 7.542