Các nhà khảo cổ khai quật chiếc mặt nạ Maya khổng lồ tại một di chỉ ở bang Yucatán.
Các nhà nghiên cứu bảo tồn chiếc mặt nạ cổ. (Ảnh: INAH).
Chiếc mặt nạ phỏng theo gương mặt của một vị thần hoặc người thuộc tầng lớp thượng lưu, được chạm khắc từ vữa và có niên đại từ cuối thời Tiền Cổ điển (khoảng năm 300 trước Công nguyên - năm 250). Nhóm khảo cổ đến từ Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mexico (INAH) đã tìm cách phục dựng mặt nạ từ khi phát hiện vào năm 2017 ở di chỉ Ucanha, gần thành phố Motul ngày nay. Mặt nạ vữa như thế này thường đặc tả gương mặt cá nhân với nhiều đặc điểm gắn liền với các vị thần hoặc người có địa vị xã hội nổi bật, theo INAH.
Chiếc mặt nạ sơn màu sáng được chạm khắc trên lớp vữa nền. Người Maya thường đặt những chiếc mặt nạ như vậy quanh bậc thang ở chân kim tự tháp. Giới khảo cổ từng phát hiện nhiều hình chạm nổi tương tự ở Acanceh và Izamal, nhưng ở Ucanha là lần đầu tiên. Phát hiện này nằm trong nghiên cứu gò đất Maya tìm thấy ở di chỉ.
Mặt nạ vữa được chôn lại xuống đất sau khi phát hiện để bảo vệ cho tới khi các nhà nghiên cứu có thể tiến hành bảo tồn. Trong quá trình phục dựng vào năm 2018, nhóm chuyên gia khảo cổ đã gia cố những phần dễ vỡ của chiếc mặt nạ. Họ cũng chuyển các bộ phận bị xô lệch về đúng vị trí ban đầu và làm sạch bề mặt để họa tiết và màu sắc của mặt nạ càng nổi rõ. Nhóm nghiên cứu hoàn thành công việc vào năm 2019 và chôn chiếc mặt nạ lần cuối.