Một nhóm nhà khảo cổ học công bố việc phát hiện một thành phố từ thời La Mã đầy kỳ lạ tại Luxor, miền nam Ai Cập.
Tàn tích thành cổ La Mã mới được phát hiện ở Luxor. (Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập).
Theo Mostafa Waziri, người đứng đầu Hội đồng Cổ vật Tối cao của Ai Cập, di tích này - có niên đại từ thế kỷ thứ hai đến thứ ba - là thành phố "lâu đời nhất và quan trọng nhất" được tìm thấy ở bờ phía đông của Luxor.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra phần còn lại của nhiều tòa nhà dân cư, cũng như hai chuồng chim bồ câu và một số xưởng kim loại. Bên trong các xưởng này chứa một bộ sưu tập đồ tạo tác như nồi, chậu, bình nước, chuông, công cụ mài và tiền xu La Mã bằng đồng.
Một số đồ tạo tác còn nguyên vẹn được khai quật trong các onhà xưởng của thành phố. (Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập).
Waziri nhấn mạnh đây là phát hiện khảo cổ hiếm hoi ở Ai Cập, nơi phần lớn cuộc khai quật - kể cả ở bờ phía tây của Luxor - thường liên quan đến các đền thờ và lăng mộ.
Khu dân cư thời La Mã được cho là một phần mở rộng của thành cổ Tiba, đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống tôn giáo, kinh tế và hành chính của Ai Cập cổ đại.
Theo Ancient Origins, Tiba là trung tâm tôn giáo thờ thần Min, vị thần của sự màu mỡ và mùa màng. Thành cổ này cũng là trung tâm thương mại vì nó nằm gần sông Nile, nổi tiếng với việc sản xuất nhiều loại hàng hóa như lúa mì, lúa mạch và giấy cói.
Chuồng chim bồ câu nằm trong một tòa nhà. (Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập).
Ai Cập trong những năm gần đây đã công bố nhiều khám phá khảo cổ quan trọng trong nỗ lực hồi sinh ngành du lịch quan trọng của đất nước sau nhiều năm bất ổn chính trị, cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid.
Tháng trước, các nhà khảo cổ học ở Thượng Ai Cập cũng công bố phát hiện 9 hộp sọ cá sấu hàng nghìn năm tuổi trong hai ngôi mộ cổ ở khu lăng mộ Theban Necropolis trên bờ tây sông Nile.