Khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo để cắt giảm tiêu thụ và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch đang là thách thức lớn với Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á đang trong quá trình lấy lại tốc độ tăng trưởng cao.
Là nước duy nhất ở Đông Nam Á tham gia Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), từng xuất khẩu khá nhiều dầu mỏ nhưng nay Indonesia lại trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ. Do đầu tư không đúng mức cho hoạt động thăm dò và lọc dầu trong nhiều thập kỷ qua, cũng như quản lý yếu kém nguồn tài nguyên “vàng đen” mà Indonesia đang phải nhập khẩu dầu mỏ.
Để lấy lại tốc độ tăng trưởng cao, Indonesia phải dựa vào nguồn cung cấp năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo. Trong cách nói thông thường, năng lượng tái tạo được hiểu là những nguồn năng lượng hay những phương pháp khai thác năng lượng tồn tại trong thời gian rất dài, có thể nói là vô tận. Chẳng hạn như chúng ta sẽ tiếp tục nhận dòng năng lượng Mặt trời trong khoảng 5 tỷ năm nữa trước khi Mặt trời tắt hẳn.
Một nhà máy địa nhiệt trên đảo Bali của Indonesia
Với ưu điểm nổi trội không gây ô nhiễm môi trường, năng lượng sạch ngày càng được thế giới quan tâm. Năm 2011, năng lượng nói chung và điện nói riêng sản xuất từ sức gió, ánh nắng Mặt trời, thủy triều địa nhiệt chiếm 1,3% tổng số năng lượng sử dụng toàn cầu. 5 nước đứng đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo là: Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Brazil.
Là đất nước quần đảo, nằm trải dài và rộng trên một vùng biển lớn, giàu tiềm năng năng lượng Mặt trời, gió, sóng biển, địa nhiệt, sinh khối, thủy điện, Indonesia rất có tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo. Vì nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, Indonesia có dự trữ lớn về năng lượng địa nhiệt (chiếm tới 40% dự trữ của thế giới). Hiện Indonesia mới khai thác được 1.341MW trong tổng trữ lượng 29.215MW loại năng lượng này.
Với việc chuyển hướng phát triển sang xây dựng một nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững, Chính phủ Indonesia đang khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, với mục tiêu nâng tỷ trọng lên 17% tổng sản lượng điện năng vào năm 2025. Để phát huy thế mạnh này, mới đây Chính phủ Indonesia đã ban hành biểu thuế ưu đãi (FIT) dành cho việc phát triển điện năng từ các nguồn năng lượng sinh khối, rác thải và địa nhiệt. Chỉ riêng trong năm 2012, đã có 117 khu vực ở Indonesia được lắp đặt trạm điện năng lượng Mặt trời với tổng công suất 4,8 MWp. Còn trong năm nay, dự kiến 400 tỷ rupiah sẽ được chi từ ngân sách cho các dự án phát triển panel năng lượng Mặt trời.
Song nhìn tổng thể, tỷ trọng năng lượng tái tạo mới chỉ chiếm 5% trong tổng sản lượng điện năng của Indonesia. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu vốn đầu tư, chi phí cao trong sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng còn yếu kém và chưa đủ để có thể hỗ trợ phát triển các nguồn lực cho việc khai thác, phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo. Thêm vào đó là khó khăn về mặt địa lý trong việc kết nối giữa sản xuất với các trung tâm tiêu thụ nằm rải trên một đảo quốc gồm hơn 17.000 hòn đảo.