Từ lâu tỏi vẫn được biết đến với công dụng tăng cường sức khỏe nhưng chúng ta vẫn không hiểu tại sao nó lại tốt. Một nghiên cứu mới đã khám phá những điều bí ẩn xung quanh loại củ có mùi thơm này.
Nghiên cứu phát hành trên tờ Proceedings of the National Academy of Science cho thấy ăn tỏi giúp tăng cường nguồn hiđrô sunfua tự nhiên trong cơ thể. Hiđrô sunfua thực ra là một chất có hại nếu ở nồng độ cao. Nó là phế phẩm mang độc tính của quá trình tinh luyện dầu có mùi trứng thối. Nhưng cơ thể chúng ta lại tận dụng được nguồn cung cấp này với vai trò một chất chống ôxi hoá và chất dẫn truyền tế bào giúp làm dịu mạch máu và tăng máu lưu thông.
Nghiên cứu mới nhất về công dụng của tỏi do các nhà nghiên cứu thuộc đại học Alabama tại Birmingham tiến hành. Họ đã chiết nước tỏi và đưa vào tế bào máu người một lượng nhỏ. Ngay lập tức các tế bào bắt đầu sản sinh hiđrô sunfua.
Khả năng tăng cường sản xuất hiđrô sunfua của tỏi đã giúp các nhà khoa học giải thích tại sao chế độ ăn nhiều tỏi có thể chống lại nhiều bệnh ung thư khác nhau bao gồm ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư ruột. Theo một số chuyên gia khác, hiđrô sunfua còn có thể bảo vệ cả tim. Mặc dù chưa chắc chắn được liệu tỏi có giúp giảm tỉ lệ cholesterol hay không nhưng các nhà nghiên cứu thuộc đại học Y Albert Einstein mới phát hiện ra rằng, nếu tiêm hiđrô sunfua vào chuột thí nghiệm thì chất này có thể hạn chế hoàn toàn nguy hại xảy với cơ tim nếu có một cơn đau hoành hành.
Tiến sĩ David W. Kraus, phó giáo sư ngành sinh học và khoa học môi trường thuộc đại học Alabama nói rằng: “Từ nhiều thế kỉ nay, con người đã biết tỏi rất quan trọng và có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Người Hy Lạp thậm chí còn cho những vận động viên của mình ăn tỏi trước khi tham dự Olympic”.
Tại sao tỏi lại có ích? (Ảnh: Chris Ramirez / The New York Times) |
Nồng độ nước tỏi chiết ra được dùng trong nghiên cứu trên tương đương với hai nhánh tỏi cỡ trung bình người lớn ăn một ngày. Ở những quốc gia như Italy, Hàn Quốc và Trung Quốc, chế độ ăn nhiều tỏi có công dụng chống lại bệnh tật. Trung bình lượng tiêu thụ tỏi ở đây là 8 đến 12 nhánh tỏi một người một ngày.
Có vẻ như hơi nhiều nhưng theo tiến sĩ Kraus, muốn tăng lượng tiêu thụ tỏi lên 5 nhánh hoặc hơn trong một ngày không phải là khó nếu bạn cho thêm vào khi nấu ăn. Ông cũng tạo cho mình thói quen dùng đồ ăn nhẹ có tỏi như món hummus (món khai vị làm từ gà, đậu, dầu, vừng, chanh và tỏi) ăn kèm rau.
Tiến sĩ Kraus cho biết thêm, nhiều người do không biết đã chế biến tỏi ngay sau khi đập dập hoặc thái nhỏ. Nhưng để tận dụng tối đa lợi ích của tỏi, chúng ta nên đập tỏi ở nhiệt độ phòng trước khi chế biến 15 phút. Khi đó các enzyme có thời gian để tăng cường hiệu quả của các hợp chất có lợi cho sức khỏe trong tỏi.
Tỏi có thể gây ra chứng khó tiêu, và nhiều người còn e ngại vì loại gia vị này khiến cho hơi thở và mồ hôi của họ có mùi. Mỗi người có một phản ứng riêng biệt đối với tỏi, nhưng ăn hạt cây có thể giúp khử mùi hôi. Một loại thuốc viên bột tỏi được tuyên bố không gây mùi, nhưng loại thuốc này đã bị pha trộn. Hiện vẫn chưa xác định rõ ràng liệu các hợp chất có lợi trong tỏi có còn giữ nguyên công dụng của chúng khi tỏi được chế biến thành thuốc hay không.