Khám phá kỳ quan Phật giáo lớn nhất thế giới

Borobudur: Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới với kiến trúc độc đáo và ấn tượng

Borobudur là minh chứng cho nguồn gốc của nền văn hóa tâm linh sâu xa, kiến trúc độc đáo và di sản văn hóa ấn tượng của Indonesia.


Nằm ở miền Trung đảo Java của Indonesia, Borobudur là một ngôi đền tháp Phật giáo khổng lồ nổi lên đột ngột giữa vùng lòng chảo, xung quanh là rừng rậm. Vào năm 2012, Tổ chức Kỷ lục thế Giới Guinness đã công nhận đây là công trình đền tháp Phật giáo lớn nhất thế giới.
Quần thể Borobudur tọa lạc tại thung lũng Kedu, trung tâm đảo Java, cách thành phố Yogyakarta khoảng 41 km về phía tây bắc và cách Surakarta hơn 80 km về phía tây. Ngôi đền nằm giữa hai ngọn núi lửa – núi Sundoro-Sumbing, núi Merbabu-Merapi và hai con sông – Progo, Elo. Nó cũng nằm gần hai ngôi đền Phật giáo khác ở đồng bằng Kedu là Pawon và Mendut. Borobudur nằm trên một nền đá ở độ cao khoảng 265 mét so với mực nước biển.


Tên gọi Borobudur có gốc từ Vihara Buddha Ur trong tiếng Phạn, có nghĩa là "ngôi Phật tự trên ngọn đồi". Từ chân đồi khách phải leo hơn 15m mới lên tới nền đền tháp.


Ngôi đền tháp này được xây dựng trong khoảng dưới vương triều Sailendra sùng đạo Phật vào khoảng thế kỷ thứ 8 - 9.


Rộng hơn 2.500 mét vuông, Borobudur là một công trình đáng chú ý cả về kỹ thuật xây dựng lẫn thiết kế. Borobudur được xây dựng mà không sử dụng xi măng hay vữa, cấu trúc của ngôi đền giống như một tập hợp các khối lego khổng lồ lồng vào nhau được giữ lại với nhau mà không cần chất kết dính. Cấu trúc Borobudur gồm 9 tầng chồng lên nhau, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, tổng chiều cao 42m, tương đương chiều cao của một tòa nhà 10 tầng hiện đại.


6 tầng dưới của Borobudur có bình đồ hình đa giác với 20 cạnh, trong khi 3 tầng trên có bình đồ hình tròn - là phần tinh túy nhất của công trình.


Trên vòng tròn thứ nhất có 36 stupa (phù đồ hay tháp bà), vòng tròn thứ hai có 24 stupa. Các stupa ở 2 tầng này được gọi tên là Parinirwana và đều được đục lỗ trống chung quanh hình thoi.


Vòng tròn thứ 3 có 16 stupa, được đục lỗ trống hình vuông và gọi tên là Nirwana, bao quanh một stupa lớn nằm ở trung tâm.


Theo ước tính, nếu trèo lên từng tầng một và đi dọc chu vi của tất cả 9 tầng thì quãng đường tổng cộng sẽ là 5 km.


Các vách tường 6 tầng dưới của Borobudur đều được phủ kín phù điêu, chạm trổ rất công phu, mô tả về cuộc đời của đức Phật, các bồ tát và các anh hùng đã giác ngộ Phật pháp, cũng như các giáo lý của đạo Phật


Tổng chiều dài các bức điêu khắc là hơn 4km. Để cảm nhận được hết nội dung của tác phẩm đồ sộ này sẽ phải mất đến 2 ngày.


Ngoài các phù điêu, còn có trên 400 tượng Phật được đặt trong các stupa và 4 mặt của Borobudur.


Theo tính toán của các nhà khảo cổ thì công trình vĩ đại này phải mất 100 năm để xây dựng hoàn thành. 
Borobudur là một công trình kiến trúc Phật giáo cổ đại ấn tượng và hoành tráng mà chỉ có các công trình ở Đông Nam Á như Angkot Wat ở Campuchia, đền thờ Phật giáo Bagan ở Myanmar và tàn tích Sukhothai ở Thái Lan mới có thể so sánh được. Thiết kế của Borobudur là sự pha trộn giữa phong cách Java và kiến trúc triều đại Gupta, phản ánh sự kết hợp giữa thẩm mỹ bản địa và Ấn Độ ở Java cổ đại.


Sau khi vương triều Phật giáo Syailendra sụp đổ, Borobudur đã bị bỏ hoang và lãng quên trong suốt 10 thế kỷ.


Công trình đã được một phái đoàn các nhà khoa học châu Âu, do chính quyền thuộc địa Hà Lan ở Indonesia cử đến tái khám phá vào năm 1814.


Khi đó Borobudur đã đổ nát nhiều và nằm dưới một vùng cây cối um tùm.


Người ta tin rằng ngôi đền tháp đã bị chôn vùi sau vụ phun trào lớn của núi lửa Merapi tại vùng này vào thế kỷ thứ 14.


Đây có thể là một điều may mắn, khi tro bụi đã phủ kín Borobudur, giúp hạn chế sự hủy hoại của thời gian và con người.


Sau đó, chính quyền thuộc địa đã cho dân địa phương khai quật Borobudur, và sự kì vĩ của công trình khi hiện lộ đã khiến tất cả những người chứng kiến kinh ngạc.


Vào năm 1970, chính phủ Indonesia phải kêu gọi UNESCO giúp đỡ để phục hồi toàn diện Borobudur. 600 nhà phục chế có tên tuổi trên thế giới đã tiến hành trùng tu lại ngôi đền trong suốt 12 năm trời và tiêu tốn mất 50 triệu đôla Mỹ.


Ngày nay, Borobudur đã trở lại với dáng dấp gần như ban đầu và trở thành một trong những kì quan nổi tiếng của thế giới.

Ý nghĩa tâm linh

Khu phức hợp đền Borobudur giống như một hoa sen, loài hoa linh thiêng của Phật giáo. Một vị bồ tát phải trải qua "thập địa", 10 quả vị tu chứng để trở thành Phật. 10 tầng của Borobudur tượng trưng cho các giai đoạn này. Ngôi đền cũng được xây dựng giống với một mandala ba chiều, một biểu tượng tâm linh trong Ấn Độ giáo và Phật giáo đại diện cho vũ trụ.

Cấu trúc của Borobudur thể hiện vũ trụ học Phật giáo và hành trình hướng tới giác ngộ. Ngôi đền là một địa điểm hành hương tâm linh của các Phật tử, những người đến từ khắp nơi trên thế giới để đi dạo quanh đền trong trạng thái thiền định, suy ngẫm về giáo lý của đạo Phật và tìm kiếm sự giác ngộ.


Cảnh thung lũng Kedu khi nhìn từ khu phức hợp đền Borobudur.

Kiến trúc tổng quát của đền Borobudur có thể chia làm ba phần từ thấp lên cao, tượng trưng cho ba cảnh giới: Kamadhatu (Dục giới), Rupadhatu (Sắc giới) và Arupadhatu (Vô sắc giới). Kamadhatu (phần dưới cùng) tượng trưng cho thế giới ngầm hoặc hành vi của con người bị ràng buộc bởi những ham muốn trần tục. Rupadhatu (phần giữa) tượng trưng cho bản chất trung ấm hay hành vi của con người bắt đầu rời xa những ham muốn trần tục. Arupadharu (phần trên cùng) tượng trưng cho bản chất cao thượng hoặc hành vi của con người đã hoàn toàn thoát khỏi những ham muốn trần tục.

Borobudur có các bảo tháp đục lỗ, là một cấu trúc hình chuông với lỗ ở đỉnh. Điều này được cho là đại diện cho khái niệm tính không của Phật giáo, nơi tất cả mọi thứ được kết nối với nhau và không có sự tồn tại cố hữu.

Cập nhật: 25/08/2024 Theo Kiến Thức/hoadatviet.pnvn
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video