Trung Quốc đứng đầu thế giới về xây tổ máy điện hạt nhân

  •  
  • 155

Trung Quốc dẫn đầu về số lượng tổ máy điện hạt nhân đang xây, theo sách xanh do Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc công bố hôm 26/4.

Sách xanh của Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CNEA) cho biết, nước này có 24 tổ máy điện hạt nhân đang xây với tổng công suất lắp đặt 26,81 triệu kW. Số liệu mới cho thấy, Trung Quốc đã vận hành các tổ máy điện hạt nhân an toàn và ổn định trong thời gian dài, đồng thời đạt được những bước tiến đều đặn trong việc xây dựng.

 Hai tổ máy tại nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Hai tổ máy tại nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh: Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh).

Tính từ năm 2022, Trung Quốc đã phê duyệt 10 tổ máy điện hạt nhân mới, đưa 3 tổ máy vào vận hành thương mại và khởi công xây dựng 6 tổ máy. Đến nay, nước này có 54 tổ máy điện hạt nhân thương mại với tổng công suất lắp đặt 56,82 triệu kW, đứng thứ 3 thế giới.

Theo sách xanh, Trung Quốc đã liên tục cải tiến các thiết bị điện hạt nhân then chốt do nước này tự phát triển, đẩy mạnh năng lực sản xuất thiết bị điện hạt nhân và khả năng đảm bảo chuỗi công nghiệp liên quan. Nước này đã phát triển khả năng cung cấp các bộ thiết bị điện hạt nhân hoàn chỉnh cho các lò phản ứng nước áp suất (PWR) với công suất một triệu kW. Năm 2022, Trung Quốc sản xuất 54 bộ thiết bị điện hạt nhân, đạt mức cao mới trong 5 năm qua.

"Hơn 90% lò phản ứng điện hạt nhân lớn của Trung Quốc hiện được sản xuất trong nước. Trình độ công nghệ xây dựng kỹ thuật điện hạt nhân của Trung Quốc duy trì thứ hạng quốc tế tốt, với khả năng xây hơn 40 tổ máy điện hạt nhân cùng lúc", Zhang Tingke, tổng thư ký của CNEA, nói.

Đến năm 2030, Trung Quốc dự kiến dẫn đầu thế giới về công suất lắp đặt điện hạt nhân. Theo sách xanh CNEA, sản lượng điện hạt nhân của nước này dự kiến chiếm 10% tổng sản lượng điện năm 2035, giúp tăng tầm quan trọng của điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc, nhờ đó thúc đẩy việc chuyển đổi sang cơ cấu năng lượng ít carbon.

Trên thế giới nhiều quốc gia đang điều chỉnh kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Đức đã tìm cách loại bỏ năng lượng hạt nhân từ năm 2002. Đây là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đồng thời là nước phát thải lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

Nhưng ở Anh, hồi tháng 3/2022, chính phủ thông báo kế hoạch giảm phụ thuộc vào dầu và khí đốt bằng cách xây thêm 8 lò phản ứng hạt nhân mới. Việc này nằm trong chiến lược năng lượng mới của nước này. Mục tiêu của họ là đến năm 2050, khoảng 24 gigawatt điện sẽ đến từ hạt nhân, tương đương 25% nhu cầu điện dự báo.

Ba Lan, Romania và Ukraine - những nước từ lâu phụ thuộc vào các nhà máy điện than - cũng đã ký hợp đồng với các công ty Mỹ và châu Âu để có công nghệ lò phản ứng cỡ nhỏ này. Châu Âu gần đây ngày càng coi điện hạt nhân là cần thiết để chống biến đổi khí hậu.

Ở Nhật Bản kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, hầu hết các nhà máy điện hạt nhân không còn hoạt động. Tuy nhiên năm 2022 lãnh đạo nước này tuyên bố khởi động lại nhiều nhà máy điện hạt nhân và xem xét khả năng phát triển lò phản ứng thế hệ mới nhằm đối phó với thiếu hụt năng lượng.

Đầu tháng 3/2022, Tổng thống Philippines ký sắc lệnh đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của nước này. Giới chức Philippines muốn giảm dần các nhà máy điện than để đạt mục tiêu về khí hậu và hồi sinh nhà máy điện hạt nhân duy nhất của họ - Bataan sau vài thập kỷ bỏ không.

Cập nhật: 28/04/2023 VnExpress
  • 155