Khám phá mới về hóa thạch người Au. Sediba

Trong những ngày gần đây, những phát hiện mới về một bộ xương người tiền sử đã khiến cộng đồng khoa học dậy sóng với những tranh cãi về nguồn gốc của loài người và mở ra khả năng tái xem xét hay vẽ lại bản đồ tiến hóa loài người mà chúng ta được biết, được học xưa nay.

Hôm thứ 6 vừa qua, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã công bố những khám phá gần nhất về Australopithecus Sediba - một loài người tiền sử độc đáo sống cách đây gần 2 triệu năm. Được lãnh đạo bởi Lee Berger - một nhà nhân chủng học đến từ đại học Witwatersrand, tại Johannesburg, Nam Phi, nhóm nghiên cứu đã tiết lộ những hiểu biết mới về cách người Au. Sediba đi lại, nhai và di chuyển, từ đó củng cố cho nhận định của Berger rằng đây chính là tổ tiên trực tiếp của con người.

Trước đây, các chuyên gia về nhân chủng học đã xác đinh Homo Habilis là tổ tiên gần nhất đối với Homo Erectus - tiền thân của người hiện đại. Tuy nhiên, nghiên cứu của Berger đã chỉ ra một dòng giống khác. Au. Sediba xuất hiện trước Homo Habilis ước tính gần 100.000 năm và các đặc điểm pha trộn giữa khỉ và người gợi ý một sự tiến hóa khác từ tổ tiên loài người Hominin đến giống người Homo cận đại.

Một báo cáo dài 6 trang được đăng tải trên tạp chí Science đã bước đầu đưa ra giả thuyết này. Theo đó, một nghiên cứu về cấu trúc răng của Au. Sediba cho thấy trong khi một số loài chia sẻ những điểm tương đồng với giống người Homo thì chúng lại khác biệt so với Au. Afarensis - một lớp người Hominin Đông Phi bao gồm cả Lucy - tên gọi được đặt cho một bộ xương người tiền sử nổi tiếng được phát hiện vào năm 1974.

Lucy đã được chấp nhận rộng rãi như một tổ tiên phổ biến nhất của con người so với tất cả các loài người tiền sử khác. Tuy nhiên, Berger nói giải thuyết về Lucy giờ đây trở nên "rất không xác thực". Thay vào đó, ông chỉ ra rằng Au. Sediba tượng trưng cho một "dòng giống bí ẩn", tách biệt hoàn toàn so với Lucy và những người tiền sử Đông Phi cùng thời.

Các nghiên cứu khác của nhóm đã tiết lộ những đặc tính khảm tương tự trong đốt xương, lồng ngực và đặc biệt là xương hàm của Au. Sediba - một đặc điểm giống đến ngạc nhiên về cấu trúc của con người ngày nay và khác biệt rõ ràng với các hóa thạch người vượn Au. Afarensis được tìm thấy trong cùng khu vực. Thêm vào đó, xương cánh tay của Au. Sediba cho thấy những đặc điểm lý tưởng để leo trèo nhưng hóa thạch xương chân lại cho thấy cách di chuyển thẳng bằng 2 chân.


Mô hình được dựng lại bằng composite của người Au. Sediba (giữa) so với bộ xương của một người phụ nữ trưởng thành Homo Sapiens (trái) và một người đàn ông Pan Troglodytes (phải).

Darryl de Ruiter - một giám sư đến từ đại học Texas A&M kiêm đồng tác giả của bài báo cho biết: "Tại mọi nơi khi chúng tôi quan sát bộ xương, từ hàm cho tới chân, chúng tôi nhận ra những bằng chứng về sự chuyển tiếp từ người Australopith sang Homo. Chúng tôi đã nhận ra dấu vết của sự tiến hóa!"

"Au. Sediba trông giống người Homo hơn mọi loài người Australopith khác từng được biết đến và đây là lý do tiêu biểu cho thấy Au. Sediba là tổ tiên của giống người Homo", Ruiter giải thích.

Công bố hôm thứ 6 là kết quả sau hơn 4 năm nghiên cứu về người Au. Sediba, qua đó đánh dấu cho một trong những nghiên cứu toàn diện nhất về các loài người tiền sử từng được thực hiện. Au. Sediba được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2008 khi đứa con trai 9 tuổi của Berger vô tình vấp phải một chiếc xương đòn hóa thạch gần hang động Malapa, Nam Phi. Berger sau đó đã tìm được thêm nhiều mẫu xương khác thuộc về loài này, bao gồm xương của một đứa trẻ trai và một phần bộ xương của một người phụ nữ trưởng thành.

Một nghiên cứu tiếp nối dựa trên các mẫu vật thu thập đã đem lại những kết quả khá khó hiểu. Điển hình như bàn tay, trong khi xương các ngón tay thon dài rất lý tưởng để trèo cây thì ngón cái cũng dài bất thường cho thấy Au. Sediba có thể thường xuyên cầm nắm công cụ. Khi đứng, Au. Sediba cao khoảng 1,2m và não của Au. Sediba lại nhỏ giống khỉ thay vì có hình dạng và tổ chức giống người.

De Ruiter thừa nhận rằng những phát hiện trên vẫn còn để ngõ nhiều điều cần được làm sáng tỏ, một phần nguyên nhân là do những báo cáo hóa thạch vẫn chưa hoàn thiện. Mặc dù vậy, ông quả quyết các bằng chứng tìm được đã gợi ý "chúng ta đang tìm kiếm một tổ tiên của giống người Homo, hay ít nhất là một họ hàng gần của loài thủy tổ này".

Tuy nhiên, công bố trên cũng vấp phải không ít sự phản bác từ cộng đồng khoa học. Một số người đã đưa ra ý kiến tranh luận rằng Au. Sediba "quá trẻ" để có thể là một tổ tiên trực tiếp của giống người Homo và lý lẽ họ đưa ra là một số hóa thạch của người Homo Habilis có niên đại đến hơn 2,3 triệu năm. Berger và nhóm nghiên cứu đã lên tiếng bác bỏ ước tính này và cho rằng Homo Habilis tồn tại chỉ cách đây 1,9 triệu năm, những hóa thạch già hơn lại quá rời rạc để có thể làm bằng chứng. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của Berger nhấn mạnh họ chỉ mới tìm thấy một phần hóa thạch của người Au. Sediba tại Nam Phi và vẫn còn nhiều hóa thạch già hơn chưa được khai quật.

Berger nói: "Chúng tôi đang thực hiện một cuộc tìm kiếm chưa từng có về một loài người tiền sử trước người Hominin tại một khu vực nổi tiếng phân mảnh và phân mảnh cực nhỏ. Vì vậy, chúng tôi đang chuẩn bị cho một báo cáo hoàn thiện hơn lần trước".

Nếu thành công trong việc chứng minh Au. Sediba là thủy tổ của người Homo thì Berger sẽ đứng trước một cơ hội lớn để vẽ lại bản đồ tiến hóa của con người hay ít nhất là khám phá ra một hướng tiến hóa mới.

"Điều này để lại cho chúng tôi một câu hỏi lớn", ông nói."Mặc dù chúng tôi biết rõ về quy luật tiến hóa của con người nhưng Sediba lại xuất hiện một mình và nói - Đây là một lựa chọn khác!".

Theo Tinhte, The Verge
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video