Khám phá nghĩa địa tàu vũ trụ ở Thái Bình Dương

Với khoảng cách 2.600km so với hòn đảo gần nhất, Point Nemo là nơi "an nghỉ" của hàng trăm tàu vũ trụ khi kết thúc sứ mệnh.


Point Nemo trong tiếng Latin có nghĩa "vùng không người". Đây là điểm vô hình nằm giữa Thái Bình Dương, xung quanh là Australia, Nam Mỹ và New Zealand. Các đảo gần Point Nemo gồm Ducie ở phía bắc, Motu Nui thuộc đảo Phục Sinh tại phía đông bắc và Maher nằm phía nam. (Ảnh: The Sun).


Với khoảng cách hơn 2.600 km đến đất liền gần nhất, Point Nemo là nơi lý tưởng để các tàu vũ trụ đâm xuống sau khi kết thúc sứ mệnh. Từ khi được sử dụng năm 1971, Point Nemo trở thành nơi "an nghỉ" của hơn 270 tàu vũ trụ đến từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và một số tổ chức không gian. (Ảnh: The Sun).


Người đầu tiên tìm ra vị trí của Point Nemo là Hrvoje Lukatela, kỹ sư trắc địa người Canada gốc Croatia. Ông sử dụng phần mềm để tính tọa độ có khoảng cách lớn nhất từ 3 điểm cách đều nhau, nhờ đó tìm ra vị trí của Point Nemo vào năm 1992 mà không cần đến địa điểm. Trên ảnh là Motu Nui, một trong những đảo có khoảng cách đến Point Nemo gần nhất. (Ảnh: Flickr).


Point Nemo là nơi an toàn nhất để tàu vũ trụ rơi xuống bởi nguy cơ va chạm khu dân cư, các công trình của con người bằng không. Do tính chất dòng hải lưu, khu vực này khan hiếm sinh vật biển, không có tàu đánh cá vì ít chất dinh dưỡng. Đó là lý do Point Nemo có biệt danh "nghĩa địa tàu vũ trụ" hoặc "nơi cô đơn nhất Trái Đất". (Ảnh: Auto Evolution).


Công trình lớn nhất từng rơi xuống Point Nemo là Phòng Thí nghiệm Không gian (MIR) của Nga với khối lượng khoảng 120 tấn, rơi xuống vào năm 2001 sau 15 năm hoạt động. Nhiều tàu vũ trụ khác cũng "an nghỉ" tại Point Nemo như các tàu vận chuyển của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, tàu chở hàng HTV của Nhật Bản, hơn 140 tàu tiếp tế của Nga... Ảnh minh họa: (ABC News).


Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) dự kiến rơi xuống Point Nemo vào năm 2031. Do kích thước rất lớn, ISS sẽ không bốc cháy hoàn toàn khi trở lại khí quyển Trái Đất. Những người "sống" gần khu vực này nhất chính là nhà khoa học trên ISS. Khi bay qua Point Nemo, khoảng cách từ ISS tới Trái Đất là 360 km, gần hơn mọi hòn đảo trên bề mặt hành tinh. (Ảnh minh họa: Getty Images).


Các kỹ sư phải căn chỉnh thời gian để tàu vũ trụ rơi xuống Point Nemo. Khi trở lại khí quyển Trái Đất, tàu vũ trụ sẽ vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Với những vật thể lớn như trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc, các mảnh vỡ rải khắp vùng biển dài 1.600 km. Tuy nhiên, không thể xác định rõ vị trí rơi của các mảnh vỡ. (Ảnh minh họa: Getty Images).


Năm 1997, một tiếng động lớn phát ra cách Point Nemo khoảng 2.000 km về phía đông, được gọi là "The Bloop". Những người đam mê khoa học viễn tưởng cho rằng đây là âm thanh của một loài thủy quái. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) kết luận đây chỉ là âm thanh của băng vỡ tại Nam Cực. Trong cuộc thi Volvo Ocean Race năm 2017-18, những con thuyền đi qua Point Nemo đã thu thập các hạt vi nhựa, phục vụ nghiên cứu rác thải đại dương. (Ảnh: The Ocean Race).

Cập nhật: 18/03/2022 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video