Khám phá nguồn gốc của các loài cây bao báp trên thế giới

Có 8 loài cây bao báp trên thế giới, trong đó 6 loài được tìm thấy trên đảo Madagascar ở Ấn Độ Dương, một loài ở châu Phi và một loài ở Australia. Nguồn gốc của loài cây này là chủ đề được nhiều người quan tâm.

Bao báp (baobab) là loài cây chủ chốt được mệnh danh là “cây sự sống” vì chúng hỗ trợ hệ sinh thái xung quanh, cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho nhiều loài động vật. Cây bao báp có thể đạt kích thước khổng lồ cả về chiều cao và đường kính, trong khi hệ thống rễ rất lớn giúp làm chậm quá trình xói mòn đất và tái chế chất dinh dưỡng. Những loài lớn nhất có thể cao hơn thảm thực vật dưới tầng.


Loài cây bao báp tại vùng sa mạc Tanami, Australia. (Ảnh: sciencenews.org).

Khi bạn bắt gặp một cây bao báp lớn ở châu Phi, nó thực sự giống như “Cây linh hồn” - nơi ở của tộc người Na'vi trong phim Avatar. Thân cây khổng lồ là những hình trụ rỗng bằng gỗ chứa một khối lượng lớn nước. Một số cây bao báp lớn nhất và lâu đời nhất ở Australia ước tính chứa hơn 100.000 lít nước.

Theo nghiên cứu mới nhất của một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế, những cây bao báp mà chúng ta thấy ngày nay đều có nguồn gốc từ Madagascar. Để đưa ra kết luận này, các nhà nghiên cứu về gene và di truyền thực vật từ Vườn Bách thảo Vũ Hán ở Trung Quốc và Vườn Thực vật Hoàng gia Kew ở London (Vương quốc Anh) đã tập hợp và nghiên cứu bộ gene của cả 8 loài cây bao báp trên thế giới. Nhóm nghiên cứu cho biết cây bao báp bắt đầu tiến hóa để tạo thành loài riêng biệt vào khoảng 21 triệu năm trước. Sau đó, 2 trong số 8 loài này đã di chuyển đến châu Phi và Australia trong 12 triệu năm qua, trước khi tuyệt chủng ở Madagascar.

Trong bộ gene của các loài cây bao báp, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về sự lai tạo cổ xưa giữa các loài. Điều này có nghĩa là tất cả các loài đều xuất hiện ở Madagascar vào một thời điểm nào đó và được lai giống. Bằng cách bổ sung dữ liệu địa chất và cổ khí hậu, có thể tính toán rằng ở Madagascar, các loài bao báp khác nhau đã tiến hóa, chịu ảnh hưởng của kỷ băng hà và mực nước biển dâng lên và hạ xuống trong hàng triệu năm.

Các loài bao báp tại châu Phi (Adansonia Digitata) Australia (Adansonia gregorii) gần như chắc chắn đã rời khỏi Madagascar dưới dạng hạt giống hoặc cây con, trôi nổi qua đại dương bởi những dòng sông dâng cao do bão quét. Những hạt giống bao báp đầu tiên ở châu Phi có lẽ đã đến trong vòng 12 triệu năm trước. Từ đó, nó mở rộng về số lượng, thường là nhờ sự giúp đỡ của những con voi ăn hạt.

Vào thời điểm cây bao báp lan rộng khắp lục địa đến Tây Phi, một lỗi phân chia tế bào đã xảy ra trong quá trình tạo ra phấn hoa hoặc noãn, dẫn đến cây bao báp ở châu Phi có số lượng nhiễm sắc thể trong tế bào tăng lên (từ 88 lên 168). Sự gia tăng số lượng nhiễm sắc thể như vậy là phổ biến ở thực vật và được gọi là thể đa bội. Bao báp đa bội mới sau đó có khả năng đã trở thành loài thống trị ở châu Phi, thay thế các loài xuất hiện trước đây trên khắp lục địa. Điều này có thể đã xảy ra trong khoảng 2.500 năm, dựa trên tính toán tốc độ di chuyển hạt bao báp của những con voi.

Nghiên cứu mới về nguồn gốc của các loài cây bao báp được xem là chìa khóa quan trọng góp phần vào các quyết định bảo tồn, nhân giống các loài bao báp, trong đó có các loài đã được liệt vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng, dựa trên tiêu chí Danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Cập nhật: 10/06/2024 TTXVN/Báo Tin tức
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video