Khí cầu mới của Pháp có khả năng nhận và thả hàng mà không cần hạ cánh

Flying Whales đang sản xuất một chiếc khí cầu có khả năng vận chuyển và thả các kiện hàng trong khi bay.

Nhiều thành phần của khí cầu vận tải này được chế tạo thân thiện với môi trường; ví dụ, nó sử dụng khí Heli để trôi nổi trong không trung, hệ thống đẩy lai điện tử, và không cần đến cơ sở hạ tầng phụ trợ trong quá trình cất cánh và hạ cánh.

Nhưng đừng bị đánh lừa bởi hình dáng thuôn dài và cơ chế nổi bằng khí Heli của nó: khí cầu LCA60T rất chắc chắn và không thể bị thủng, khiến nó trở nên khác biệt so với những chiếc khí cầu truyền thống mặc cho ngoại hình không khác là bao.

Chiếc khí cầu này ban đầu được thiết kế để vận chuyển gỗ mới cắt đến các khu vực khó tiếp cận - đó là lý do nó không cần sự hỗ trợ nào về mặt hạ tầng từ mặt đất. Tuy nhiên, nhóm thiết kế của Pháp muốn hướng nó đến một nhóm khách hàng lớn hơn, ít chuyên biệt hơn.

"Chúng tôi nhận ra rằng giải pháp này có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác, do đó mục tiêu về sau không phải là làm ra một thứ gì đó chỉ có thể được dùng vào việc vận chuyển gỗ nữa" - Romain Schalck, giám đốc marketing của Flying Whales, cho biết. "Nhưng chúng tôi muốn bắt đầu với một thứ gì đó cụ thể, bởi nói chung, bắt đầu thiết kế một thứ để giải quyết cho một thị trường cụ thể sẽ dễ dàng hơn".

Flying Whales hiện đang hợp tác với cả các đối tác tài chính công và tư, lẫn các khách hàng thuộc nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu, châu Á, và Canada, và dự kiến sẽ mở rộng sang Mỹ trong tương lai.

Ở thời điểm hiện tại, một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Flying Whales là Aviation Industry Corporation of China (AVIC). Trong năm đầu khi AVIC liên hệ với Flying Whales (2017), công ty còn nhận được khoản đầu tư khoảng 29,5 triệu USD từ chính phủ Pháp.

Cùng thời điểm đó, công ty đã bắt đầu mở rộng đội ngũ nhân viên từ 5-6 người lên 50 người. Nay công ty đã có hơn 130 người với kế hoạch mở rộng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi từ một công ty chế tạo sang một công ty công nghiệp, dự kiến sẽ được thực hiện khi họ sẵn sàng để bắt đầu sản xuất những chiếc khí cầu thực sự.

"Có lẽ đến cuối giai đoạn phát triển của chương trình, chúng tôi sẽ có khoảng 300 người trong công ty" - Pierre-Yves Fouillen, giám đốc thị trường của Flying Whales, cho biết. "Một khi chúng tôi bắt đầu đưa khí cầu vào hoạt động, số lượng nhân viên sẽ bùng nổ"


Flying Whales dự kiến xây dựng nhà máy đầu tiên tại Pháp trong năm sau, với mục tiêu đưa chiếc LCA60T đầu tiên vào hoạt động trong năm 2024.

Giai đoạn sản xuất thương mại sẽ diễn ra trong năm 2025, và mục tiêu cuối cùng là cho ra hơn 162 chiếc LCA60T trong thập kỷ đầu tiên.


Giá bán của khí cầu này hiện chưa được tiết lộ, nhưng theo nhóm thiết kế của Flying Whales thì nó gần với một chiếc trực thăng hơn một chiếc máy bay.

Công ty còn dự định phát triển một dịch vụ cho phép các khách hàng sử dụng khí cầu cho các dự án ngắn hạn thay vì phải mua toàn bộ phương tiện chỉ để phục vụ cho một công việc duy nhất.


Thứ tạo nên độ chắc chắn vượt trội của LCA60T so với các khí cầu khác là công nghệ "vỏ đa lớp", trong đó sử dụng nhiều lớp mỏng gồm các tấm vải dệt - tương tự như trên một chiếc xuồng bơm hơi vậy - phủ lên bên trên cấu trúc khung thực sự của nó.

Và bởi phương tiện này sử dụng khí Heli để trôi nổi, LCA60T có mức tiêu thụ nhiên liệu thấp so với các tàu bay truyền thống.


Nó có thể nhận và thả các kiện hàng trong khi đang nổi trong không trung nhờ vào hệ thống tời được điều khiển bởi một chuyên viên phụ trách bốc dỡ hàng hoá.

Dù có tải trọng 66 tấn, LCA60T có thể chuyên chở các vật thể với bất kỳ kích thước hay hình dáng nào bằng cách móc chúng vào hệ thống dây treo bên dưới khí cầu. Tất nhiên, hàng hoá cũng có thể được đưa vào khoang chứa ở bên trong khí cầu.

LCA60T có thể bay với tốc độ 100km/h trong những chuyến đi ngắn trong phạm vi từ 206 - 300km.


LCA60T có khả năng cất cánh và hạ cánh theo phương dọc, có nghĩa là những hạ tầng bổ trợ như đường băng sẽ trở nên thừa thãi.

Theo Schalck, việc không cần bất kỳ cơ sở hạ tầng bổ trợ nào đồng nghĩa khí cầu Flying Whales sẽ có thể tiếp cận những khu vực xa xôi mà không lo gây nguy hại cho môi trường.

Hệ thống đẩy lai điện của khí cầu cũng mở ra cơ hội để Flying Whales chuyển đổi sang hệ thống đẩy hoàn toàn bằng điện trong tương lai, giảm thiểu lượng khí thải carbon mà khí cầu phát ra trong quá trình hoạt động.

"Chúng tôi quyết định trang bị cho chiếc khí cầu đầu tiên này hệ thống đẩy lai vì ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới mà mỗi khi tạo ra những công cụ công nghiệp mới, chúng ta đều phải tính toán đến khả năng bảo vệ môi trường của nó" - Schalck nói. "Một động cơ đẩy lai điện không phải là giải pháp bảo vệ môi trường hoàn hảo, nhưng là một bước đầu tiên đúng đắn".

Cập nhật: 11/09/2020 Theo Pháp luật và bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video