Một đồng hồ đo gas trên hệ thống ống dẫn ở Ukraina hôm 1-1, ngày mà Gazprom của Nga cắt cung cấp khí đốt cho nước láng giềng. (Anh VTV) |
Khổng Tử đã biết dùng gas
Tất nhiên là hồi đó chưa có những bếp gas thuận tiện như hôm nay. Nhưng theo ghi chép của Khổng Tử thì có lẽ người Trung Hoa là dân tộc đầu tiên biết tận dụng khí đốt tỏa ra từ các kẽ nứt trong đất. Dần dần họ còn đào sâu vào đất để khai thác các bọng khí đốt, chế tạo các ống dẫn bằng tre. Những vùng có gas gần biển còn biết dùng gas đun bay hơi nước biển để lấy muối.
Hôm nay thì hậu bối của người Trung Hoa nhanh trí này ấy đã đạt con số 1,3 tỷ và bị coi là nguyên nhân chính cho tình trạng tăng giá gas toàn cầu. Còn nhớ khái niệm "khủng hoảng dầu mỏ" ra đời cách đây ba thập niên, lần đầu tiên thế giới học cách rùng mình khi nhận ra rằng cuộc sống hôm nay bị phụ thuộc vào năng lượng đến mức nào.
Nhưng nguyên nhân cho sự xung đột bên giếng dầu ngày đó mang tính chính trị, nghĩa là còn có phương cứu chữa. "Khủng hoảng khí đốt" có lẽ còn là một cụm từ quá mới. Người ta mới chú ý đến nó khi Nga dọa cắt cung cấp khí đốt cho Ukraine giữa mùa đông lạnh giá. May mắn là hai bên còn đi đến thỏa thuận chứ nhiều gia đình Mỹ năm nay đã bắt đầu bị thiếu khí đốt mà nguyên nhân không chỉ vì mấy trận cuồng phong ngoài khơi Vịnh Mexico.
Cầu Chúa xin "trời ấm lên"
Cuộc khủng hoảng gas của Mỹ khác hẳn về tính chất so với xung đột giữa Nga và người hàng xóm hoặc chính sách kích giá nhân tạo của mấy quốc gia OPEC. Khí đốt, một loại tài nguyên thiên nhiên cần hàng triệu năm trong điều kiện đặc biệt để hình thành, đang cạn dần!
Chưa bao giờ công nghiệp năng lượng của Mỹ bỏ ra nhiều tiền của và công sức như ngày nay để khai thác gas trong đất liền cũng như ngoài biển - đó mới là khối lượng gas cần thiết cho nhu cầu sản xuất và tiêu thụ hiện tại chứ chưa nói đến phát triển.
Cho đến hôm nay, nước láng giềng miền Bắc đất rộng người thưa song vô cùng giàu có khoáng sản là Canada vẫn được xem là hậu phương vững mạnh, nhưng ngay cả Canada cũng đã cảm thấy mối lo ngại đang dâng cao như mây đen phía chân trời năng lượng: năm 2003 là năm đầu lên Canada tiêu thụ nhiều gas hơn lượng mới tìm ra, đã thế trữ lượng của những nguồn khí đốt đang khai thác xem chừng đã được đánh giá cao hơn thực tế, nói một cách khác, người Canada đã gặm đến lương khô.
Mùa đông năm nay vừa bắt đầu đã được dự đoán là cơn rét lớn cho lục địa Bắc Mỹ. Đã và sẽ có nhiều gia đình không đủ năng lượng chạy lò sưởi, và nhiều công ty thà sa thải công nhân còn hơn sản xuất vạ vật qua mùa đông. Đất Mỹ vốn có nhiều người sùng đạo, và trong bài cầu kinh của họ đã được thêm câu "Cầu Chúa cho trời ấm lên", như bà Diana Munns ở Phòng thương nghiệp lowa nói với tạp chí "US News".
Thị trường khí đốt
Từ 1983 lượng khí đốt tiêu thụ trên quả đất tăng thêm 75%, một phần cũng vì được "mang tiếng" là loại năng lượng (tương đối) sạch vì không sinh ra lưu huỳnh gây mưa axít. Trong thời đại mà ý thức bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng phát triển, từ những năm 70 trở lại đây nhiều kỹ thuật dùng than và dầu được đổi sang gas.
Thị trường gas khác với thị trường dầu hỏa, tập trung ở ba khu vực là Mỹ, châu Âu và châu Á/ Thái Bình Dương. Nguyên nhân đơn giản là gas chỉ được chuyên chở một cách kinh tế qua ống dẫn, và cũng vì vậy mà các nước khai thác dầu ở vùng Vịnh đốt hết gas đi cùng với dầu hỏa chứ không nghĩ đến chuyện kinh doanh nó.
Qatar, một tiểu vương quốc Arab đứng thứ ba sau Nga và Iran về khai thác gas, đi theo con đường khác. Năm 1971 ở bờ biển Qatar đã phát hiện ra trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, và họ biết cách biến thứ khí "vô dụng" thành một nguồn lãi khủng khiếp. Ở cảng Ra Laffan mọc lên dàn kỹ thuật hóa lỏng gas lớn nhất thế giới. Ở nhiệt độ âm 160oC gas co lại chỉ còn 1/615 thể tích ban đầu và hóa lỏng, có thể chuyên chở bằng những tàu thủy lớn đi khắp thế giới, tất nhiên là đến cả Mỹ. Con đường mới này của Qatar tạo ra một "mốt" đóng tàu chở gas. Năm nay, số tàu đặc chủng để chở khí lỏng sẽ lên gấp đôi so với cả thế kỷ trước.
Tương lai
Khác với dầu, lượng gas bị dùng chưa chiếm chỗ bao nhiêu trong tổng số được khai thác. Nhưng cảnh giác qua cơn ác mộng dầu hỏa, nhân loại làm phép tính xem với đà tiêu thụ hôm nay, còn bao lâu nữa thì dùng hết khí đốt. Con số dự đoán là 67 năm không được phép làm chúng ta bớt sốt ruột, vì kinh nghiệm cho thấy các mô hình tính toán kiểu ấy đều sai bét vì thực tế phát triển năng động hơn các phỏng đoán, chưa kể là thói quen dùng gas ngay càng tăng. Để ý đến cả sự năng động ấy, trữ lượng gas sẽ bị con người làm cạn kiệt trong 42 năm tới. Dầu mỏ còn nhanh cạn gấp đôi.
Thực trạng không thể khác được là trong những năm tới khách hàng sẽ ngày càng trả giá gas cao hơn. Chưa có nguồn năng lượng nào khả dĩ thế chân cho dầu và khí, kể cả năng lượng hạt nhân.
Trong khi người Trung Quốc trước đây 2.500 năm đã biết dùng khí đốt thì ở cái nôi văn minh khác như Hy Lạp hay Ba Tư hồi đó con người vẫn hoảng sợ sụp lạy ngọn lửa "vĩnh cửu" do sét tạo ra từ luồng khí tuôn ra trên mặt đất. Hôm nay ta biết rằng ngọn lửa ấy không thể cháy "vĩnh cửu", nhưng khi nó tắt ngấm sau 42 năm nữa thì cái gì sẽ xảy ra - chưa ai biết được...