Nước trên Mặt Trăng và Trái Đất có thể xuất phát từ cùng một nguồn gốc. Nghiên cứu công bố ngày 9/5 trên Nhật báo Khoa học đã khiến giới nghiên cứu phải đặt nghi vấn về lý thuyết hình thành Mặt Trăng cũng như nguồn gốc của vật chất dễ bay hơi trong Hệ Mặt Trời.
>>> Trái đất sẽ ra sao nếu Mặt trăng biến mất?
Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện dấu vết về sự tồn tại của nước trong các mẫu đất do tàu Apollo 15 và 17 đưa về từ Mặt Trăng. Phân tích hóa học sau đó cho thấy nước trên Mặt Trăng có chứa thành phần hydrogen và deuterium - một chất đồng vị của hydrogen với tỷ lệ thấp giống tỷ lệ trong nước ở Trái Đất.
Ảnh: Alamy
Đây cũng là tỷ lệ tìm thấy trong thiên thạch carbonaceous chondrites - một dạng thiên thạch cổ có xuất xứ từ vành đai tiểu hành tinh gần Sao Kim, được cho là một trong những vật thể có tuổi thọ cao nhất trong Hệ Mặt Trời.
Phát hiện trên đã khiến giới khoa học phải xem xét lại thuyết hình thành Mặt Trăng. Trước đây, Mặt Trăng được cho là một mảnh vỡ từ Trái Đất, tách ra sau một vụ va chạm lớn 4,5 tỷ năm về trước.
Tuy nhiên, nếu lý thuyết này chính xác, các nhà khoa học sẽ không thể tìm thấy nước trên Mặt Trăng do nhiệt lượng sinh ra từ vụ va chạm sẽ làm bốc hơi toàn bộ hydrogen và các chất dễ bay hơi khác. Lý thuyết nước trên Mặt Trăng có nguồn gốc từ một ngôi sao chổi cũng không thể đứng vững, do thành phần nước trên sao chổi thường có tỉ lệ hydrogen-deuterium rất cao.
Alberto Saal, một chuyên gia địa chất tại Đại học Brown đồng thời là chủ nhiệm công trình nghiên cứu, phỏng đoán có thể vào thời điểm xảy ra vụ va chạm, nước đã xuất hiện trên Trái Đất. Một phần lượng nước này đã có thể "sống sót" qua vụ chấn động và tồn tại trên Mặt Trăng cho đến ngày nay.
Giới khoa học nêu rõ phát hiện mới đã mở ra cơ hội cho giới khoa học tìm hiểu sâu hơn về những bí mật còn ẩn chứa trong vũ trụ, về sự hình thành của Mặt Trăng cũng như nguồn gốc của các chất dễ bay hơi trong vũ trụ.