Vào năm 2010, Tổng thống Mỹ Obama đương nhiệm đã có bài phát biểu liên quan đến kế hoạch đưa người lên một tiểu hành tinh của NASA vào năm 2025. Điều này đã đánh dấu cho sự kế thừa hy vọng đưa người lên Mặt trăng mà Tổng thống John F. Kennedy đề ra sau gần 50 năm.
12 năm về trước, ý tưởng đưa con người lên một hành tinh khác được xem như bất khả thi. Ngay cả việc đặt ra một cột mốc thời gian cụ thể cũng được xem là vô lý. 10 năm sau, vào năm 2020, tàu thăm dò OSIRIS-Rex của NASA đã hạ cánh thành công xuống một tiểu hành tinh cổ có tên Bennu và thu thập bụi, đá cuội trên bề mặt. Dự kiến năm 2023, con tàu này sẽ quay trở về Trái đất.
Con người sẽ đến Vành đai tiểu hành tinh trong vòng 50 năm tới.
Mới đây thôi, giới chuyên gia đã dự đoán rằng các sứ mệnh không gian của con người tới Vành đai tiểu hành tinh có thể thành hiện thực trong vòng 50 năm tới, với điều kiện con người cần đặt chân lên sao Hỏa vào năm 2038. Điều này đồng nghĩa với tương lai du hành vũ trụ trong vài chục năm tới sẽ không còn xa.
Nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực JPL của Mỹ dẫn đầu bởi Jonathan Jiang đã công bố phát hiện về tác động của những hạn chế kinh tế đối với tương lai thám hiểm không gian. Mô hình của họ dựa trên phân tích kinh tế về tốc độ tăng chi phí du hành vũ trụ theo thời gian và tốc độ tiến bộ công nghệ kể từ đầu kỷ nguyên không gian.
Tác giả cho biết một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện một nghiên cứu về thám hiểm không gian sâu và các sứ mệnh của phi hành đoàn đến những hành tinh khác là bức ảnh Trái đất được chụp từ sao Hỏa, bởi tàu thám hiểm Curiosity Mars của NASA.
“Từ góc nhìn này, Trái đất là một hành tinh nhỏ bị bao trùm bởi bóng tối. Và sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về vật lý cho thấy rằng chúng ta đang bị mắc kẹt tại đây với nguồn tài nguyên hạn chế và sự biến đổi khí hậu. Và sớm hay muộn, đó là mối nguy hiểm đối với toàn nhân loại”, Jiang nói.
Jiang cảm thấy rằng, bất chấp năng lực công nghệ hiện tại, con người vẫn “cư xử như những đứa trẻ”. Và nếu một nền văn minh khác đến thăm Trái đất, họ sẽ ngạc nhiên khi thấy con người mang vũ khí tham gia vào trận chiến và sát hại lẫn nhau.
Những lo ngại về bùng nổ dân số, cuộc chiến tranh giành tài nguyên và thậm chí là sự tuyệt chủng đã khiến cho ý tưởng về việc phát triển các thuộc địa trong không gian và tìm những ngôi nhà mới ngoài Trái đất ngày càng hiện thực hóa. Những người đề xuất giải pháp này cảm thấy rằng việc mở rộng khả năng sinh sống ở nhiều hành tinh gần như sẽ đảm bảo sự tồn tại lâu dài của loài người trước đủ loại tai họa có thể ập đến hành tinh quê hương.
Jiang còn đề cập đến lời cảnh báo của Giáo sư Stephen Hawking rằng loài người phải rời khỏi Trái đất trong 200 năm tới nếu chúng ta muốn tồn tại.
Nhà vật lý này tin rằng sự sống trên Trái đất có nguy cơ bị xóa sổ khi đề ra các giả thuyết gồm va chạm với một tiểu hành tinh, AI chiếm lĩnh hay kể cả cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh. Ông cũng nói thêm rằng dân số quá đông, chiến tranh và biến đổi khí hậu có thể khiến nhân loại tự diệt vong.
Hawking tin rằng việc tập hợp toàn bộ nhân loại vào cùng một nơi là quá mạo hiểm và các thế hệ tương lai cần phải hình thành một cuộc sống mới trong không gian. Tuy nhiên, thực hiện những sứ mệnh như vậy đòi hỏi phải có kế hoạch hiệu quả và nhóm nghiên cứu của Jiang đã tìm ra một số yếu tố ảnh hưởng.
Trước tiên, yếu tố kinh tế là điều tiên quyết giúp các chuyến du hành vũ trụ có thể thực hiện được. Kể từ khi NASA được thành lập vào năm 1958, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đi sâu vào vấn đề tài chính của cơ quan này.
Trong hơn 50 năm qua, NASA ghi nhận 3 đợt bơm ngân sách mạnh mẽ. Lần đầu tiên xảy ra khi Mỹ và Liên Xô tham gia vào cuộc đua Không gian. Đợt thứ hai là vào những năm 90 – liên quan đến quyết định hợp tác với các tổ chức tư nhân để phát triển tàu con thoi. Vào năm 1989, Tổng thống Mỹ Bush Senior đã cống bố Sáng kiến Thám hiểm Không gian, nhằm khuyến khích việc ký kết một chính sách không gian thương mại mới.
Đỉnh điểm là vào năm 2018, khi chính phủ Mỹ công bố “Báo cáo Hoạt động Khám phá Không gian Quốc gia” về chương trình Artermis với sứ mệnh một lần nữa đưa con người trở lại Mặt trăng và cũng như sao Hỏa.
“Ngân sách mà chính phủ Mỹ phân bổ cho quân đội lên đến 801 tỷ USD. Ngược lại, con số này cho hoạt động khám phá không gian hòa bình của NASA chỉ đạt 24 tỷ USD. Điều này có nghĩa là hầu hết các nguồn lực, trí tuệ, công nghệ và tiền bạc của nước Mỹ đều được sử dụng để phát triển vũ trang”, Jiang phân tích.
Tiến bộ công nghệ là yếu tố tiếp theo ảnh hưởng đến lĩnh vực khám phá không gian. Báo cáo nêu rõ không ai có thể phủ nhận những công nghệ liên quan đến khám phá không gian sẽ tiếp tục phát triển không ngừng. Vì vậy, đây được xem như một thuận lợi quan trọng.
Nhóm nghiên cứu của Jiang ước lượng sự phát triển công nghệ thông qua các bài báo khoa học được xuất bản về chủ đề khám phá không gian ở Mỹ hàng năm. Bằng việc đếm có bao nhiêu bài báo, các nhà khoa học có thể đánh giá tổng thể về mức độ phát triển công nghệ trong lĩnh vực phức tạp này.
Và khi công nghệ được cải thiện, chi phí hoạt động của một nhiệm vụ đưa người ra không gian có thể giảm, từ đó giảm mức đầu tư mà các sứ mệnh này cần. “Khám phá không gian bị ảnh hưởng bởi quy mô ngân sách đầu tư. Đồng thời, nó cũng phụ thuộc vào các yếu tố như sức mạnh máy tính mô phỏng về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu và các đợt bùng phát đại dịch làm chậm tiến độ”.
Con người có thể đến sao Hỏa vào khoảng năm 2038.
Yếu tố cuối cùng được đề ra trong báo cáo là bán kính hoạt động của con người ngoài Trái đất. Mặt trăng là thiên thể gần Trái đất nhất và các phi hành gia đã đi được đến đó bằng công nghệ tàu vũ trụ.
Bước tiếp theo mà con người sẽ thực hiện là xây dựng một căn cứ trên Mặt trăng khi đây là một phần trong sứ mệnh Artemis của NASA và Chương trình Khám phá Mặt trăng. Việc thiết lập một căn cứ trên đó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho các sứ mệnh của phi hành đoàn lên sao Hỏa. Sau đó, con người có thể đến sao Hỏa vào khoảng năm 2038.
Trong trường hợp nhiệm vụ này thành công, một căn cứ có thể được thiết lập trên sao Hỏa để hỗ trợ các chương trình thám hiểm tới các thiên thể khác trong Hệ Mặt trời.
Theo bài báo, nếu mọi việc suôn sẻ, con người có thể đáp xuống các tiểu hành tinh vào năm 2073, sao Mộc vào năm 2103 và sao Thổ vào năm 2132. “Các kết quả cho đến nay cho thấy các thế giới trong hệ mặt trời của chúng ta xuyên suốt lịch sử loài người chỉ đơn thuần là những thông tin về các ánh sao trên bầu trời đêm. Sắp tới đây, mọi thứ sẽ sớm được sáng tỏ và đều nằm trong tầm tay của chúng ta”, nhóm nghiên cứu cho biết.