Kính viễn vọng James Webb chuẩn bị dọ thám 2 "siêu Trái đất" kỳ lạ

  •   53
  • 868

Kính viễn vọng không gian James Webb sẽ khám phá những thế giới mới ở một mức độ chi tiết chưa từng có trước đây.

Các hành tinh đá vốn dĩ khó nhìn thấy hơn các hành tinh khí đối với công nghệ kính thiên văn hiện tại, do độ sáng trung bình của các hành tinh này nhỏ hơn. Tuy nhiên với lợi thế là trang bị tấm gương lớn và có vị trí thuận lợi, kính viễn vọng không gian James Webb sẽ có thể vươn tầm tới những hành tinh ở rất xa.

Hành tinh 55 Cancri-e có cấu trúc khá giống với Trái đất thủa sơ khai.
Hành tinh 55 Cancri-e có cấu trúc khá giống với Trái đất thủa sơ khai. (Ảnh: NASA).

Nổi bật trong số các hành tinh nằm trong "tầm ngắm" của các nhà thiên văn học phải kể tới 55 Cancri e - một hành tinh có nhiệt độ siêu nóng, được bao phủ bởi dung nham và LHS 3844 b - một hành tinh bị thiếu đi bầu khí quyển. Đây cũng là 2 hành tinh nằm trong tầm quan sát của kính viễn vọng James Webb ngay sau khi đài quan sát này sẵn sàng hoạt động.

Theo những mô tả ban đầu, 5 Cancri e quay quanh ngôi sao mẹ của nó ở khoảng cách 2,4 triệu km, bằng 4% khoảng cách tương đối giữa sao Thủy và Mặt trời.

Hành tinh này có nhiệt độ bề mặt ở trên điểm nóng chảy của hầu hết các loại đất đá, với một mặt luôn phải đối diện với Mặt trời thiêu đốt. Tuy nhiên, các quan sát từ kính viễn vọng Spitzer trước đó cho thấy tại vùng nóng nhất của hành tinh có xuất hiện những điểm bớt nóng hơn.

So sánh kích thước của 2 hành tinh kỳ lạ với Trái đất và sao Hải Vương trong Hệ Mặt trời.
So sánh kích thước của 2 hành tinh kỳ lạ với Trái đất và Sao Hải Vương trong Hệ Mặt trời. (Ảnh: NASA).

Các nhà khoa học cho biết lượng nhiệt được bù đắp này có thể là do một bầu khí quyển dày đặc, đã di chuyển nhiệt xung quanh hành tinh, hoặc do mưa dung nham xảy ra vào ban đêm đã loại bỏ nhiệt ra khỏi khí quyển.

Ở chiều ngược lại, LHS 3844 b lại lạnh hơn khá nhiều, và các quan sát từ kính viễn vọng Spitzer cho thấy hành tinh này không có bầu khí quyển. Tuy nhiên, các nhà khoa học hy vọng sẽ bắt được tín hiệu của bề mặt hành tinh bằng phương pháp quang phổ, từ đó xác định ra các nguyên tố có trên hành tinh.

"Cuộc dọ thám về hai hành tinh này dự kiến sẽ mang đến cho chúng ta những góc nhìn mới tuyệt vời về các hành tinh có cấu trúc gần giống Trái đất nói chung, từ đó giúp hiểu hơn về lịch sử hình thành Trái đất từ thủa sơ khai", Laura Kreidberg - nhà thiên văn học đứng đầu dự án cho biết.

Được biết, kính viễn vọng James Webb hiện đang hoàn tất các quy trình vận hành giai đoạn đầu, và sẽ lập tức chuyển sang Chu kỳ quan sát đầu tiên của nó vào tháng 6 năm nay.

Cập nhật: 01/06/2022 Dân Trí
  • 53
  • 868