Khoa học lý giải chuyện cha mẹ thiên vị con cả hơn con thứ

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, 74% số bà mẹ và 70% số ông bố thừa nhận đối xử với con cái không hoàn toàn công bằng. Bọn trẻ cũng nhận định anh, chị cả được ưu tiên nhất. Các nhà khoa học lý giải, nguyên nhân có thể là do con đầu lòng nhận được đầu tư lớn nhất từ cha mẹ.

Các nhà khoa học ngạc nhiên

Các nhà khoa học của Đại học California (Mỹ) mới công bố một nghiên cứu cho thấy phần lớn cha mẹ không ứng xử công bằng với các con. Theo nhận xét của chính bọn trẻ, người được ưu tiên nhất chính là đứa con đầu lòng.

Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn các cặp anh chị em ở tuổi vị thành niên với khoảng cách tuổi không quá 3 năm. Nội dung câu hỏi là cảm nhận về cách cha mẹ đối xử với mình, rằng trẻ có nhận thấy cha mẹ đối xử khác nhau với các con hay không, việc đó có ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ hay không.


Cha mẹ không đủ nhạy cảm có thể vô thức thiên vị "đứa con vàng con bạc". (Ảnh: Newkidscenter).

Theo Giáo sư (GS) Katherine Conger - trưởng nhóm nghiên cứu, trước khi bắt tay vào việc, họ đều nghĩ con đầu lòng sẽ là người cảm thấy mình chịu thiệt thòi nhiều nhất. Điều này cũng phù hợp với quan điểm chung của xã hội rằng con út được cha mẹ quan tâm hơn.

Kết quả đã chứng minh điều ngược lại. Trong 384 gia đình được điều tra, thường đứa con đầu lòng mới là người thực sự cảm thấy cha mẹ đánh giá cao những việc mình làm được. "Giả thiết của chúng tôi trước đây là con cả bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị nhiều hơn do là anh chị lớn trong nhà, trẻ có điều kiện nhận thức sự ứng xử khác biệt của bố mẹ với mình và các em. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đã khiến chúng tôi ngạc nhiên" - GS Conger nhận định.

Năm 2009, hai tác giả David Lawson và Ruth Mace cũng công bố một nghiên cứu thực hiện trên 14.000 gia đình tại Bristol (Anh) cho thấy, cứ sau mỗi lần sinh nở, sự chăm sóc và chú ý mà cha mẹ dành cho đứa con mới sinh lại giảm đáng kể. Đứa trẻ sinh trước thậm chí còn được cho ăn tốt hơn, kết quả là thường cao hơn các em đến 3cm. Chúng cũng có chỉ số thông minh cao hơn, có thể do được hưởng lợi từ sự quan tâm không bị chia sẻ trong thời gian đầu đời.

Năm 2014, một bài báo trên tạp chí Nhân khẩu học khẳng định, sự ra đời của đứa con đầu lòng và thứ hai làm tăng mức độ hạnh phúc của cha mẹ một cách khá rõ rệt. Nhưng tác động này không còn đáng kể khi đứa con thứ ba ra đời.

Tại sao con cả được thiên vị?

Các nhà nhân chủng học và tâm lý học tiến hóa cho rằng sự thiên vị dành cho con đầu lòng có cơ sở về tiến hóa theo thuyết Darwin. Đứa con cả tự nhiên sẽ nhận được sự đầu tư thời gian và năng lượng rất lớn từ cha mẹ. Và một khi đã dành quá nhiều sự quan tâm cho "con đầu cháu sớm", con người có xu hướng tiếp tục xu thế này như một dạng "bảo vệ khoản đầu tư".

GS Conger giải thích bằng lý lẽ đơn giản hơn: Những cô cả, cậu cả là đứa con đầu tiên đem về cho cha mẹ niềm vui của các bài kiểm tra hoặc thành tích thể thao. Do đó, chúng tự nhiên được dành tình cảm nhiều hơn. Giới tính cũng là yếu tố gây ảnh hưởng. Chẳng hạn trong gia đình có hai con gái và cậu út quý tử, các cô chị có thể sẽ chịu cảm giác bị "ra rìa". Vì vậy, cha mẹ cần rất nhạy cảm để đảm bảo con lớn cảm thấy mình được đánh giá công bằng.


Trong một số gia đình, đứa con hợp tính cha mẹ có thể được chú ý nhiều hơn.

Trong một số gia đình, đứa con hợp tính cha mẹ có thể được chú ý nhiều hơn. Người cha mê thể thao có thể sẽ ưu ái đứa con thích chơi khúc côn cầu. Ngoài ra, một số trẻ có tác phong tự nhiên rất khả ái khiến người lớn thích thú hơn. Nếu cha mẹ không đủ nhạy cảm với tình huống - một cách vô thức, họ sẽ dành nhiều sự chú ý hơn cho "đứa con vàng con bạc" của mình.

Bất kể lý do gì, theo chuyên gia tư vấn Christine Northam (Mỹ), sự thiên vị kéo dài có thể gây tổn hại khá nhiều cho mối quan hệ trong gia đình: "Bọn trẻ còn lại sẽ rất nhanh nhận ra sự thiên vị của cha mẹ. Một số cháu sẽ ứng xử rất nghiêm túc. Chúng sẽ nghĩ theo kiểu "Con không giỏi khúc côn cầu nhưng sẽ học giỏi" và sau đó tiến bộ rất nhanh trong sự nghiệp. Nhưng phía sau sự thành đạt này là cảm giác oán giận bị đè nén của một đứa trẻ không bao giờ cảm thấy mình được đối xử tốt".

Theo Northam, hậu quả tâm lý có thể kéo dài hàng chục năm. Trong tức thời, đứa trẻ có thể mang cảm giác oán giận và trở nên quá chú ý đến bản thân trong phản ứng phòng vệ chống lại sự thiên vị rõ rệt của cha mẹ. Dần dần, trẻ sẽ hình thành cảm giác thấp kém hơn và lớn lên thành người thiếu tự tin.

Dù thừa nhận hay không, sự thiên vị là điều có thật và cần được phụ huynh quan tâm xử lý. Lời khuyên ở đây là yêu thương các con một cách công bằng, đảm bảo sức ảnh hưởng từ cha mẹ đến các con là như nhau.

Một cách khéo léo, cha mẹ cần cổ vũ mối quan tâm riêng của trẻ, kể cả khi nó khác biệt so với sở thích của cha mẹ - các chuyên gia khẳng định.

Cập nhật: 15/08/2016 Theo khoahocphattrien
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video